KINH ĐỆ TAM CỬU

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng Đảo,

Động Thiên Thai bảy Lão đón đường,

Cam Lồ rưới giọt nhành dương,

Thất tình lục dục như dường tiêu tan.

Cung Đẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc,

Đệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.

Tiêu thiều lấp tiếng dục tình,

Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.

Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,

Hội Thánh minh giao sách Trường xuân.

Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,

Chơn hồn khoái lạc lên đàng vọng Thiên.

TAM NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG
tamcuu
NGUỒN GỐC Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đệ Tam Cửu do Tam Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Tam Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ ba trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Tam Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên phải Đức Phật Mẫu, tay cầm bửu pháp là Quạt Long Tu.

Tam Nương có nhiệm vụ tiếp dẫn Chơn hồn lên tầng Trời Thanh Thiên, để được rưới nước Cam Lộ cho tiêu thất tình lục dục hầu vào Cung Như Ý bái kiến Thái Thượng Lão Quân. Sau đó, đưa Chơn hồn đến Hội Thánh Minh học sách Trường Xuân để Chơn hồn có thể tiếp tục lên cõi Huỳnh Thiên.

CHÚ GIẢI:

Cõi Thanh Thiên lên miền Bồng Đảo,

Động Thiên Thai bảy Lão đón đường,

Thanh Thiên 青 天: Là một tầng Trời trong Cửu Trùng Thiên, có ánh sáng màu xanh.

Bồng Đảo 蓬 島: Đảo Bồng Lai 蓬 萊, một hòn đảo có Tiên ở.

Tương truyền Biển Bột Hải 勃 海 có nước rất yếu ớt, không đỡ nổi một hột cải, nên được gọi là Nhược thủy 弱 水. Biển này có ba hòn đảo:

-Bồng Đảo 蓬 島, trên đó có một ngọn núi gọi là Bồng Lai 蓬 萊 hay Bồng Sơn 蓬 山. Núi này là nơi tu luyện của Bát Tiên.

-Doanh Đảo 瀛 島 hay Doanh Châu 瀛 洲.

-Phương Đảo 芳 島, Phương Châu 芳 洲 hay Phương Trượng 芳 丈.

Thiên Thai 天 台: Tên một ngọn núi có Tiên ở.

Đời nhà Đông Hán 東 漢 có Lưu Thần 劉 晨 và Nguyễn Triệu 阮 肇 vào hái thuốc ở núi Thiên Thai bị lạc, gặp hai nàng Tiên nữ kết làm vợ chồng, được nửa năm nhớ quê nhà, xin trở về thăm. Về đến nhà thì đã quá bảy đời người, tức là các con và cháu đến đời thứ bảy rồi.

Sau hai người Lưu, Nguyễn lại tìm trở vào núi và mất tích nơi ấy.

Bảy Lão: Đây chỉ bảy vị Tiên Ông, có lẽ tu luyện ở núi Bồng Lai, đó là Lý Thiết Quài, Hớn Chung Ly, Lữ Đồng Tân, Trương Quả Lão, Hàn Tương Tử, Lâm Thái Hòa và Tào Quốc Cựu. Thực ra đây là Bát Tiên, trong đó có bảy Tiên Ông và một vị nữ Tiên là Hà Tiên Cô.

Có thuyết cho rằng bảy Lão là Trúc Lâm Thất Hiền đời nhà Tấn bên Trung Hoa. Bảy Ông Hiền là Nguyễn Tịch, Kê Khang, Hướng Tú, Lưu Linh, Sơn Đào, Nguyễn Hàm và Vương Nhung. Thuyết này e rằng không đạt ý Kinh. Bởi vì nơi đây là cõi Bồng Lai và Thất Hiền chỉ là các vị ẩn sĩ sống theo lối tự nhiên theo triết lý Lão Trang, được xã hội thời bấy giờ xưng tụng là bảy Hiền sĩ, gọi Trúc Lâm Thất Hiền. Lại nữa, không thấy Kinh sách nói Thất hiền tu luyện đạt thành quả vị Tiên.

Theo Kinh, bảy Lão trong Động Thiên Thai phải là bảy vị Tiên đã đắc Đạo đến để đón rước Chơn linh. Như thế, theo thiển ý, đó phải là bảy vị Tiên Ông trong Bát Tiên, là những vị Tiên có sứ mạng trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Như ta biết, ba vị Thiên sứ khai nền Đại Đạo chính là Chơn linh cao trọng trong Bát Tiên: Đức Quyền Giáo Tông là Chơn linh của Lý Thiết Quài, Đức Thượng Phẩm là Chơn linh của Hớn Chung Ly, Đức Thượng Sanh là Chơn linh của Lữ Đồng Tân…..

Câu 1: Từ cõi Trời Thanh Thiên đi lên miền Bồng Lai Tiên cảnh.

Câu 2: Nơi Động Thiên Thai có bảy vị Tiên Ông đón tiếp Chơn linh.

Cam Lồ rưới giọt nhành dương,

Thất tình lục dục như dường tiêu tan,

Cam Lồ: Hay Cam Lộ 甘 露: Một thứ nước huyền diệu do các Đấng Tiên Phật luyện thành.

Nước Cam Lộ được đựng trong Tịnh Bình của Đức Quan Âm Bồ Tát.

Theo Ngài Đầu Sư Thướng Sáng Thanh, nơi Lôi Âm Tự có một cây dương bao trùm cả Lôi Âm, mỗi chót lá của nhánh dương có một giọt sương. Một giọt sương là một sanh mạng của con người. Hễ giọt sương ấy rơi thì con người phải tuyệt. Vậy phải đến Lôi Âm Tự lấy nước Cam Lộ.

Nhưng may duyên thay! Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, nhờ đại ân xá của Đức Chí Tôn, Đạo Cao Đài cũng có được nước Cam Lộ để trừ bỏ trược kiếp, oan nghiệt tội chướng, bằng bí pháp luyện Cam Lộ Thủy.

Rưới giọt: Rãi từng giọt xuống.

Nhành dương: Nhành dương liễu.

Thất tình lục dục: Xem chú thích nơi bài Cầu Hồn Khi Hấp Hối.

Câu 3: Nhành dương liễu nhúng vào nước Cam Lộ của các Đấng Thiêng Liêng.

Câu 4: Rãi lên Chơn thần từng giọt để làm tiêu tan thất tình lục dục.

Ý nghĩa hai câu Kinh này gợi cho ta suy nghĩ: Có lẽ nhờ hưởng bí pháp “Đoạn căn”, tức là dùng nhánh dương liễu nhúng vào nước Cam Lồ (do Chức sắc hành pháp) để rưới tắt dục tình của Chơn thần, nên Chơn linh mới đến đặng cõi Thanh Thiên.

Cung Đẩu Tốt nhặt khoan tiếng nhạc,

Đệ lịnh bài cánh hạc đưa linh.

Cung Đẩu Tốt: Tức là Đâu Suất Thiên Cung 兜 率 天 宮 của Đức Thái Thượng Lão Quân.

Nhặt khoan: Lúc nhanh lúc chậm.

Tiếng nhạc: Âm thanh như điệu nhạc.

Đệ 遞: Theo thứ tự mà truyền đi, hoặc thay lượt mà chuyển đi. Ví dụ: Đệ trình 遞 呈: Trình lên cấp trên.

Lịnh bài 令 牌: Thẻ ra lệnh, cái thẻ bài của cấp trên cấp cho để truyền hiệu lệnh.

Cánh hạc: Chim hạc.

Đưa linh: Đưa linh hồn đi.

Câu 5: Tiếng nhạc khi nhanh khi chậm vang từ Đâu Suất Thiên Cung.

Tiếng nhạc từ Đâu Suất Thiên Cung, nhặt khoan vang vọng ra xa xa, âm thanh du dương, réo rắt. Đây bên Phật gọi là Thiên nhạc.

Theo Kinh Di Đà, cõi Cực Lạc cũng có Thiên nhạc. (Kinh viết: Bỉ Phật Quốc độ thường tác Thiên nhạc…nghĩa là Cõi nước Phật thường trỗi Thiên nhạc…). Thiên nhạc có hai loại:

Chư Thiên chi nhạc: Tức là các loại âm nhạc do chư Thiên trong tam giới thường diễn tấu lên để cúng dường Đức Phật.

Thiên nhiên nhạc: Nghĩa là loại âm nhạc tự nhiên vang ra thành tiếng. Như Kinh Đại Bổn nói: “Cũng tự nhiên có vạn thứ âm nhạc, không tiếng nhạc nào là không thanh tịnh, trong trẻo, thông suốt, vi diệu, trong sáng, thanh nhã, hết thảy các thứ âm thanh trong thế gian chẳng sánh được nổi”.

Câu 6: Được lịnh bài thì chim hạc đưa chơn linh lên.

Tiêu thiều lấp tiếng dục tình,

Bờ dương bóng phụng đưa mình nâng thân.

Tiêu thiều 簫 韶: Tiêu là ống tiêu, thiều là sáng đẹp, vẻ vang. Tiêu thiều là tên một khúc nhạc trong đời vua Ngu Thuấn, một khúc nhạc dạy dân phải có lòng chính đính, cao thượng, không tà dại dâm loạn.

Theo Thiên Thuấn Điển trong Kinh Thư, khi vừa mới lên ngôi, vua Thuấn dạy ông Quỳ 夔 về nhạc như sau: Thầy Quỳ! Ta sai ngươi giữ âm nhạc, dạy các con trưởng từ con vua đến con quan khanh nên chính trực mà ôn hòa, khoan dung mà hơi ngặt, cương nghị mà không tàn ngược, giản dị mà không ngạo mạn. Cách dạy nên tham về âm nhạc. Thơ để bày tỏ chí khí, bài ca vịnh ngôn, thanh nương theo vịnh, luật hòa với thanh. Bát âm đều hòa hiệp rồi, không chen lấn nhau, cho nên dùng vào việc tế tự, quỷ thần cùng người đều hòa cả.

Ông Quỳ thưa rằng: Ôi! Tôi đánh và vỗ vào đá ra tiếng âm nhạc, trăm loài thú đều kéo nhau đến nhảy múa.

(Quỳ! Mệnh nhữ điển nhạc, giáo trụ tử. Trực nhi ôn. Khoan nhi lật. Cương nhi vô ngược. Giản nhi vô ngạo. Thi ngôn chí. Ca vịnh ngôn. Thanh y vịnh. Luật hòa thanh. Bát âm khắc hài, vô tương đoạt luân, thần nhân dĩ hòa. Quỳ viết: Ư! Dư kích thạch, phụ thạch, bách thú suất vũ.夔! 命 汝 典 樂, 教 冑 子. 直 而 溫 寬 而 栗 剛 而 無 虐 簡 而 無 傲. 詩 言 志 歌 詠 言 聲 依 詠 律 和 聲. 八 音 克 諧 無 相 奪 倫 神 人 以 和.

夔 曰: 於! 予 擊 石 拊 石 百 獸 率 舞).

Kinh Thư có dẫn: Khi nhạc Tiêu thiều tấu đến khúc thứ 9 thì chim phượng hoàng đến múa, coi có vẻ uy nghi (Tiêu thiều cửu thành, phụng hoàng lai nghi 簫 韶 九 成, 鳳 凰 來 儀).

Như vậy, Tiêu thiều là khúc nhạc hay, có thể khiến người nghe xong tâm hồn trở nên chính đính, thanh cao.

Bờ dương: Do chữ dương bạn 楊 畔, là một dãi bờ trồng hàng dương liễu. Cây dương không nhiễm bụi trần, nên bờ dương thường được ví là bờ đạo đức hay bờ giác ngộ.

Trong Thánh Ngôn Hiệp Tuyển có bài thi như sau:

Ký thành một cuốn gọi Thiên thơ,

Khai Đạo muôn năm trước định giờ.

May bước phải gìn cho mạnh chí,

Nắm đuôi phướn phụng đến dương bờ.

Câu 7: Khúc nhạc Tiêu thiều ngăn lấp bớt mối dục tình.

Câu 8: Chim phụng hoàng đưa Chơn thần đi vào bờ đạo đức.

Cung Như Ý Lão Quân tiếp khách,

Hội Thánh Minh giao sách Trường xuân.

Cung Như Ý: Hay Như Ý Cung 如 意 宮, cung của Đức Thái Thượng Lão Quân.

Lão Quân 老 君: Tức Thái Thượng Đạo Tổ.

Hội Thánh Minh: Một phiên hội chư Thánh, chư Tiên do Đức Thái Thượng Đạo Quân tổ chức nơi cung Như Ý.

Câu 9: Nơi cung Như Ý, Đức Thái Thượng Đạo Tổ tiếp chư Thánh Tiên.

Câu 10: Và trong Hội Thánh Minh, Đức Ngài giao cho Chơn linh quyển Trường xuân sách đặng qua cõi Huỳnh Thiên.

Thanh quang rỡ rỡ đòi ngàn,

Chơn thần khoái lạc lên đàng vọng Thiên.

Thanh quang 青 光: Ánh sáng màu xanh.

Rỡ rỡ: Sáng ngời, rực rỡ.

Đòi ngàn: Rừng núi trùng điệp.

Vọng Thiên 望 天: Trông ngóng vào cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Khoái lạc 快 樂: Vui vẻ.

Câu 11: Ánh sáng màu xanh rực rỡ soi khắp núi rừng trùng điệp.

Câu 12: Chơn hồn sung sướng vui vẻ lên đường mà trông ngóng về cõi Thiêng Liêng.