KINH TIỂU TƯỜNG

Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,

Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.

Ngọc Hư đại hội ngự triều,

Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chơn.

Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn,

Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Qui.

` Vào Lôi Âm, kiến A Di,

Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ độ sanh.

Ao Thất Bửu gội mình sạch tục.

Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.

Vạn linh trổi tiếng mầng thầm.

Thiên thơ Phật tạo độ phàm giải căn.

DIÊU TRÌ KIM MẪU

tieutuong
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Tiểu Tường do Đức Diêu Trì Kim Mẫu giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Tuần Tiểu Tường được cúng vào ngày thứ 200 kể từ sau ngày làm tuần Cửu Cửu (Chung Cửu) một ngày.

Theo ý nghĩa Kinh, làm tuần Tiểu Tường tức là cầu nguyện cho Chơn linh được vào cõi Hư Vô Thiên để nghe Đức Nhiên Đăng Cổ Phật thuyết pháp, rồi vào Chùa Lôi Âm yết kiến Đức Phật Di Đà. Chơn thần được tắm gội ở ao Thất Bửu để tẩy trừ tục trần, rồi lên ngự trên Tòa sen.
CHÚ GIẢI:

Tịnh niệm phép Nhiên Đăng tưởng tín,

Hư Vô Thiên đến thính Phật điều.

Tịnh niệm 淨 念: Giữ cho lòng trong sạch để tưởng nghĩ đến các Đấng Thiêng Liêng.

Nhiên Đăng 燃 燈: Tức là Nhiên Đăng Cổ Phật, một vị Phật của đời quá khứ, nên được gọi là Cổ Phật.

Đức Nhiên Đăng Cổ Phật còn được gọi là Định Quang Phật 定 光 佛, vị Phật đã sống vô lượng kiếp trước thời đại của chúng ta. Đó là vị Phật đầu tiên và quan trọng nhất trong các vị Phật có trước Đức Thích Ca Mâu Ni.

Nhiên Đăng Cổ Phật là vị Phật tượng trưng cho các vị Phật trong đời quá khứ. Bên Phật Giáo Trung Hoa, người ta thường thờ Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chung với Thích Ca Mâu Ni Phật và Di Lặc Vương Phật để gọi là thờ Tam Thế Chư Phật 三 世 諸 佛 (Đời quá khứ, hiện tại và vị lai).

Tưởng tín 想 信: Có sự tin và tưởng nghĩ đến.

Hư Vô Thiên 虛 無 天: Một tầng trời do Đức Nhiên Đăng Cổ Phật chưởng quản.

Thính 聽: Nghe.

Phật điều: Những điều dạy của Đức Phật.

Câu 1: Phép giữ cho lòng trong sạch để tin tưởng và niệm danh Đức Nhiên Đăng Cổ Phật.

Câu 2: Đến tầng Hư Vô Thiên, Chơn hồn nghe những điều dạy của Đức Phật.

Ngọc Hư đại hội ngự triều,

Thiều quang nhị bá Thiên Kiều để chơn.

Ngọc Hư Đại Hội 玉 虛 大 會: Đại Hội ở Ngọc Hư Cung, tức là Đức Chí Tôn họp chư Thần Thánh Tiên Phật nơi Ngọc Hư Cung.

Ngự triều 御 朝: Đức Chí Tôn họp thiên triều cùng chư Thần Thánh Tiên Phật.

Thiều quang 韶 光: Ánh sáng đẹp, ngày mùa xuân. Ở đây chỉ thời gian. Trong tác phẩm Kim Vân Kiều có câu:

Ngày xuân con én đưa thoi,

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi.

Thiều quang nhị bá 韶 光 二 百: Chỉ thời gian hai trăm ngày (200 ngày).

Kể từ sau một ngày làm tuần chung cửu (mãn cửu) đến ngày làm tuần Tiểu tường là đúng 200 ngày.

Thiên kiều 天 橋: Cây cầu bắc lên cửa Trời.

Để chơn: Đặt bước chơn đến.

Câu 3: Nơi Ngọc Hư Cung, Đức Chí Tôn họp Đại Hội triều đình.

Câu 4: Chơn hồn đặt chơn lên Thiên kiều để vào cõi Trời sau 200 ngày, kể từ ngày chung Cửu.

Bồ Đề Dạ dẫn hồn thượng tấn,

Cực Lạc Quan đẹp phận Tây Qui.

Bồ Đề Dạ 菩 提 夜: Hán dịch từ Phạn ngữ Buddhaya: Là một vị Bồ Tát do Đức Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân ra..

Theo Kinh “Đại Bi Tâm Đà Ra Ni Xuất Tượng”, Tổ Văn Thê Đại Sư đem 84 câu của Chú Đại Bi họa ra thành những bức tượng: Hoặc hình Phật, hình Bồ Tát, hình các Thánh nhị thừa, hoặc hình Phạm Thiên Đế Thích, hoặc các hình Thần tướng Kim Cang…Những hình tượng đó đều có nhiều bộ dạng khác nhau, hoặc từ bi, hoặc Thánh dung, hoặc hung tợn, hoặc phàm tướng. Tất cả đều từ nơi Thánh trí, lòng đại bi của Đức Quán Thế Âm hóa hiện ra để cứu giúp chúng sanh.

Câu Chú Đại Bi số 46 là tượng Bồ Đề Dạ Bồ Đề Dạ 菩 提 夜 菩 提 夜 (Buddhaya Buddhaya): Tức là Quán Âm hiện tướng diện mạo từ bi, thân cận trẻ con giáo hóa lợi ích chúng sanh.(Xem hình Bồ Đề Dạ Bồ Đề Dạ trang sau.)

Dẫn hồn 引 魂: Dìu dắt Chơn hồn.

Thượng tấn 上 進: Hay thượng tiến là tiến bước đi lên cao.

Cực Lạc quan 極 樂 關: Cái cổng nơi Cực Lạc Thế Giới, hay cửa Cực Lạc. Ý nói vừa vào đến cõi Cực Lạc.

Trong A Di Đà Kinh, Phật có thuyết: “Bỉ độ hà cố danh vi Cực Lạc? Kỳ quốc chúng sanh vô hữu chúng khổ, đản thọ chư lạc, cố danh Cực Lạc”. Nghĩa là Cõi ấy vì sao tên là Cực Lạc? Chúng sanh trong cõi ấy không có các sự khổ, chỉ hưởng các sự vui, nên gọi là Cực Lạc.

Theo kinh, trong cõi Cực Lạc, hết thảy các thứ thọ dụng và thân tướng mỗi mỗi đều thù thắng trang nghiêm, chẳng hề có sự khổ não nào, luôn luôn có vô lượng điều vui, nên Kinh chép: “Đản thọ chư lạc” (Chỉ hưởng những điều vui sướng).

Đẹp phận: Số phần đẹp đẽ.

Tây Qui 西 歸: Về hướng tây của Cực Lạc Thế Giới.

Câu 5: Vị Bồ Tát Bồ Đề Dạ dìu dắt Chơn hồn tiến lên đi vào cõi Thiêng Liêng.

Câu 6: Chơn hồn được dẫn về hướng Tây vào cổng của Cực Lạc Thế Giới, nơi định phận tốt đẹp.

Vào Lôi Âm, kiến A Di,

Bộ Công Di Lạc Tam Kỳ độ sanh.

Lôi Âm 雷 音: Lôi Âm Tự, một ngôi chùa nơi Cực Lạc Thế Giới.

Kiến 見: Bái kiến, thấy, gặp.

A Di 阿 彌: Tức là A Di Đà Phật, một vị Phật làm Giáo Chủ ở cõi Tây Phương Cực Lạc. Ngài được tôn thờ trong các ngôi chùa Tịnh độ tông tại Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản.

Tượng A Di Đà Phật thường được thờ ngồi chính giữa, Bồ Tát Đại Thế Chí đứng bên phải và Bồ Tát Quán Thế Âm đứng bên trái, gọi là tượng Tam Tôn.

Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức A Di Đà giao quyền Chưởng giáo cho Đức Di Lặc Vương Phật, để Ngài trở về ngự nơi Lôi Âm Tự.

Bộ công: Bộ sổ ghi chép công quả.

Ở thế gian, những người nào hành công đức, giúp đời giúp đạo, cứu giúp chúng sanh đều được Hội Thánh chứng nhận công đức và lưu vào sổ công quả hữu hình. Ngoài ra, trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Chí Tôn mở một trường thi công quả cho chúng sanh thi cử để tuyển lựa người hiền đức và nhiều công lao với vạn linh mà chủ khảo là Đức Di Lặc Vương Phật, nên Đức Ngài lập ra Bộ Công quả cho chúng sanh để dựa vào đó mà chấm thi trong ngày phán xét cuối cùng. Bộ công quả này thuộc vô vi, nơi cõi Thiêng Liêng. Kinh gọi đó là Bộ Công Di Lặc.

Độ sanh 度 生: Độ những Chơn hồn được sống vĩnh viễn nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Câu 7:Chơn hồn được đưa vào Lôi Âm Tự để bái kiến Đức A Di Đà Phật.

Câu 8: Vào thời Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Phật Di Lặc làm chánh chủ khảo hội Long Hoa, Ngài lập ra Bộ Công quả để độ những Chơn hồn có công được sống nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Ao Thất Bửu gội mình sạch tục.

Ngôi liên đài quả phúc Dà Lam.

Ao Thất Bửu: Còn gọi là Thất Bửu trì 七 寶 池, tức là cái ao làm bằng bảy món báu vật, như Kim 金, ngân 銀, lưu ly 琉 璃, pha lê 玻 璃, xa cừ 硨 磲, xích châu 赤 珠, mã não 瑪 瑙. Ao này nằm ở cõi Cực Lạc Thế Giới. Theo Kinh Vô Lượng Thọ, Ao Thất Bửu chính là nơi thai sen nở để những người tu hành đắc quả Phật được sanh vào Cực Lạc, mà cũng là nơi để người cõi Cực Lạc tắm gội trong ấy.

Gội mình: Tắm gội thân mình.

Sạch tục: Làm sạch sẽ những dơ bẩn trong cõi phàm tục đã nhiễm vào Chơn thần con người.

Liên đài 蓮 臺: Đài sen hay tòa sen. Đó là ngôi vị nơi cõi Phật.

Quả phúc: Hay phúc quả 福 果: Cái kết quả do những hành vi phước đức tạo ra.

Dà Lam 伽 籃: Còn viết Già Lam là do từ Phạn ngữ: Asharam, có nghĩa khu vườn hay tịnh xá.

Dà Lam chỉ ngôi vị Phật, gọi là Phật Dà Lam. Phật Dà Lam có nhiệm vụ dìu dắt các Chơn hồn đắc đạo đến cõi Cực Lạc Thế Giới.

Đức Quan Thánh Đế Quân đắc hàng Phật vị gọi là Cái Thiên Cổ Phật hay còn gọi là Dà Lam Chơn Tể.

Câu 9: Vào đến ao Thất Bửu, một ao làm bằng bảy thứ báu vật nơi cõi Cực Lạc Thế Giới, Chơn hồn được tắm gội để gột rửa những uế trược nơi cõi tục.

Câu 10: Ngôi vị Phật, ngôi vị Dà Lam là một phúc quả do những hành vi phước đức của Chơn hồn nơi thế gian.

Do những hành vi thiện lành ở thế gian đã tạo nên phước quả cho Chơn linh được vào cõi Cực Lạc Thế Giới.

Trong Kinh Di Đà, Phật có thuyết: “Hựu Xá Lợi Phất! Cực Lạc Quốc độ, hữu Thất bửu trì, bát công đức thủy sung mãn kỳ trung. Trì để thuần dĩ kim sa bố địa”. Nghĩa là: Lại này Xá Lợi Phất! Cõi nước Cực Lạc có ao Thất Bửu (bảy báu) , nước tám công đức đầy ắp trong đó. Đáy ao thuần dùng cát vàng để phủ.

Nước trong ao Thất bửu có đủ tám công đức: Trừng tịnh (lắng trong, tinh khiết), thanh lãnh (trong trẻo, mát lạnh), cam mỹ (ngon ngọt), khinh nhuyễn (nhẹ nhàng, mềm mại), nhuận trạch (tươi tắn, thắm nhuần), an hòa (êm ả, không chảy xiết, kêu gầm), trừ cơ khát (uống hết đói khát), trưởng dưỡng thiện căn (tăng trưởng, nẩy nở căn lành). Do có tám công đức, nước trong cõi Cực Lạc được xưng tụng là Công đức thủy.

Vì nước trong ao Thất Bửu có công đức trừng tịnh, trưởng dưỡng thiện căn nên Chơn hồn nào có ân huệ tắm gội nơi ao ấy, uế trược sẽ được tẩy trừ, thiện căn sẽ được tăng trưởng, nẩy nở.

Vạn linh trổi tiếng mầng thầm.

Thiên thơ Phật tạo độ phàm giải căn.

Vạn linh 萬 靈: Muôn Chơn linh. Đây chỉ tất cả các Chơn linh trong bát phẩm Chơn hồn.

Trổi tiếng: Cất tiếng nói, lên tiếng nói.

Thiên thơ Phật tạo 天 書 佛 造: Quyển thiên thơ do chư Phật hội lập ra nhằm cứu giúp các Chơn linh nơi cõi trần.

Độ phàm 度 凡: Cứu giúp chúng sanh nơi cõi phàm gian.

Giải căn 解 根: Cởi bỏ tất cả các gốc rễ. Gốc rễ là kết quả của những hành vi thiện ác mà con người gây ra trong các kiếp sống trước rồi tạo thành oan nghiệt nơi cõi trần.

Như vậy, giải căn là cởi bỏ hết những oan nghiệt nơi thế gian để không còn gốc rễ nữa.

Câu 11: Muôn Chơn linh đều vui mừng lên tiếng chúc tụng cho Chơn linh được đắc phẩm Phật vị.

Câu 12: Thiên thơ do chư Phật lập ra cho tất cả vạn linh sanh chúng, nếu họ biết lo tu hành thì được giải căn kiếp nơi cõi phàm trần mà đắc quả Phật.