KINH ĐỆ BÁT CỬU

Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,

Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.

Mùi trần khi đã xa khơi,

Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.

Cung Tận Thức thần thông biến hóa,

Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng.

Cỡi Kim Hẩu đến Tịch San,

Đẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.

Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,

Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.

Hồ Tiên vội rót tức thì,

Nước Cam Lồ rửa ai bi kiếp người.

BÁT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG
batcuu
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đệ Bát Cửu do Bát Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Bát Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ tám trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Bát Nương mặc áo màu vàng, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm Giỏ Hoa Lam.

Bát Nương có nhiệm vụ tiếp rước các Chơn hồn lên tầng Phi Tưởng Thiên, đưa Chơn hồn vào Cung Tận Thức, qua núi Phổ Đà nhờ Từ Hàng Bồ Tát cho cỡi Kim hẩu bay lên núi Tịch San để vào Cung Diệt Bửu. Chơn hồn còn được rưới nước Cam Lồ để tẩy sạch nỗi ai bi kiếp người.
CHÚ GIẢI:

Hơi Tiên tửu nực nồng thơm ngọt,

Phi Tưởng Thiên để gót tới nơi.

Tiên tửu 仙 酒: Rượu Tiên.

Nực nồng: Nồng độ rượu bốc mạnh lên.

Thơm ngọt: Mùi thơm ngọt ngào.

Phi Tưởng Thiên 非 想 天: Theo Di Lặc Chơn Kinh, Phi Tưởng Thiên là một từng Trời do Đức Từ Hàng Bồ Tát chưởng quản.

Để gót: Đặt gót chân tới.

Câu 1: Chơn hồn vừa đến thì cảm nhận được hơi thơm tho ngọt ngào của rượu Tiên bốc mạnh lên.

Câu 2: Từng Trời Phi Tưởng Thiên đã để gót chân đến nơi rồi.

Mùi trần khi đã xa khơi,

Say sưa bầu khí bồi hồi chung phong.

Mùi trần: Mùi vị cõi trần gian.

Thế nhân đã từng nếm qua mùi vị cõi trần hay mùi đời, mỗi người cảm nhận khác nhau: Có người cho là cay đắng, lại có kẻ cho là chua cay, người lại cho rằng uế trược, hôi tanh…Trong Thánh Thi có bài viết:

Mùi đời biết đặng lắm chua cay,

Cay đắng kiếp người khổ ớ ai!

Ai dám xả thân hành chánh Đạo?

Đạo mầu theo dõi hết trần ai.

Hoặc:

Mùi đời đã nếm biết chua cay,

Giành dựt còn mong cậy sức tài.

Nếu chẳng định tâm lo xét quấy.

Nhãn tiền báo ứng dễ đâu sai.

Hoặc:

Thơm tho chi cũng vốn mùi đời,

Chưa kẻ dùng nên của để chơi.

Mua bán chọn lừa như buổi chợ,

Về nhà chưa tối đã qua đời.

Đại Thừa Chơn Giáo viết:

Mùi đời còn biết hôi tanh,

Thì đâu còn có giựt giành làm chi!

Xa khơi: Xa xôi lắm.

Say sưa: Mê say, ngây ngất.

Bầu khí: Bầu không khí.

Bồi hồi 徘 徊: Bồn chồn ,vơ vẩn.

Chung phong 鐘 風: Chuông và gió. Ý nói gió thổi đưa tiếng chuông vang đến.

Câu 3: Mùi vị cõi trần gian, Chơn hồn đã đi khỏi rất xa.

Câu 4: Đến Phi Tưởng Thiên thì say sưa ngây ngất với bầu không khí nực nồng mùi Tiên tửu và thấy bồi hồi khi nghe tiếng chuông được gió đưa lại.

Cung Tận Thức thần thông biến hóa,

Phổ Đà Sơn giải quả Từ Hàng.

Cung Tận Thức 盡 識 宮: Một cung nơi từng Phi Tưởng Thiên.

Thần thông biến hóa 神 通 變 化: Do công phu tu luyện, người tu có thể đạt được thần thông, tức là có pháp thuật biến hóa rất huyền diệu.

Phổ Đà Sơn 普 陀 山: Là núi Phổ Đà, ngụ xứ của Đức Quan Thế Âm Bồ Tát.

Quan Thế Âm là vị Bồ Tát có lòng đại từ đại bi, ý muốn cứu khổ tất cả chúng sinh, Ngài lại là Đấng có phép thần thông biến hóa, nên lúc nào Ngài cũng có mặt ở khắp mọi nơi, mỗi khi có người thành tâm cầu nguyện. Vì thế, nhiều Kinh đã ký tải về nơi ngụ xứ của Ngài khác nhau:

Theo Kinh A Di Đà: Ngài ở Tây phương Tịnh độ.

Theo Kinh Hoa Nghiêm sớ: Ngài ở núi Bồ Đà Lạc ở biển Nam Hải.

Theo Kinh Quán Thế Âm Bồ Tát Cứu Khổ: Ngài ở núi Phổ Đà, tỉnh Triết Giang Trung Quốc.

Giải quả 解 果: Cởi bỏ cái quả kiếp.

Từ Hàng 慈 航: Từ Hàng Bồ Tát.

Từ 慈: Từ bi.

Hàng 航: Chiếc thuyền.

Từ Hàng: Là chiếc thuyền từ bi.

Từ Hàng Bồ Tát là một vị Phật, nhưng vì lòng thương xót chúng sanh, nên Ngài vẫn giữ nhiệm vụ cứu khổ, tế độ sinh linh đang bị đọa trần. Vì thế, Danh hiệu Ngài được ví như chiếc thuyền từ bi cứu vớt người đưa qua biển khổ. Mặc dầu là Phật vị, nhưng Ngài vẫn xưng danh hiệu Bồ Tát, hay Đạo Nhơn và nhiều lần chiết Chơn linh giáng phàm để cứu độ quần linh.

Trong thời nhị kỳ Phổ Độ, Từ Hàng Bồ Tát có giáng linh xuống làm hai vị nữ nhân là Thị Kính và Diệu Thiện, sau đó tu hành đắc quả thành Quan Âm Bồ Tát, hay Phật Bà Quan Âm. Trong Thánh giáo ngày 22-7-1926, Chí Tôn có cho biết: “Người gọi Quan Âm là Nữ Phật Tông, mà Quan Âm vốn là Từ Hàng Đạo Nhơn biến thân. Từ Hàng lại sanh ra lúc Phong Thần đời nhà Thương”.

Câu 5: Vào Cung Tận Thức, Chơn hồn thấy rõ các huyền phép thần thông biến hóa rất diệu mầu.

Câu 6: Tại Phổ Đà Sơn, Quan Âm Bồ Tát là hóa thân của Đức Từ Hàng, là vị Bồ Tát cứu khổ cứu nạn và hóa giải biết bao quả nghiệp cho chúng sanh.

Cỡi Kim Hẩu đến Tịch San,

Đẩu vân nương phép Niết Bàn đến xem.

Kim Hẩu: Hay Kim Mao Hẩu là một con thú linh, hình con sư tử lông màu vàng, do Đức Từ Hàng Bồ Tát thường cỡi. Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp cho đắp 8 con Kim Mao Hẩu nơi bốn cầu thang của hai bên Đền Thánh.

Tịch San 辟 山: Một ngọn núi trên từng Phi Tưởng Thiên.

Đẩu vân 陡 雲: Thình lình nhảy lên mây. Đây là một phép phi hành rất lẹ mà Tề Thiên Đại Thánh đã học được, gọi là Cân đẩu vân, đi xa được 18.000.000 dặm đường.

Nương phép: Dựa vào sự mầu nhiệm của pháp thuật.

Câu 7: Chơn hồn nhờ Kim Mao Hẩu đưa đến núi Tịch San.

Câu 8: Dựa theo phép Đẩu vân, Chơn hồn được lên xem cõi Niết Bàn.

Cung Diệt Bửu ngọc rèm đã xủ,

Nghiệp hữu hình tượng đủ vô vi.

Cung Diệt Bửu 滅 寶 宮: Một tòa cung điện nơi Phi Tưởng Thiên.

Ngọc rèm: Hay rèm ngọc, tấm rèm kết bằng ngọc dùng để che ngoài cửa nơi cung điện.

Xủ: Buông xuống.

Nghiệp hữu hình: Hay Hữu hình nghiệp 有 形 業, nghiệp quả tạo ra ở cõi trần.

Tượng đủ vô vi: Hiện rõ và đầy đủ trong cõi vô vi.

Câu 9-10: Vào đến Cung Diệt Bửu, tấm rèm ngọc buông xủ xuống, Chơn hồn thấy được tất cả nghiệp hữu hình tạo ra nơi cõi trần, hiện đầy đủ ra trong cõi vô vi.

Hồ Tiên vội rót tức thì,

Nước Cam Lồ rửa ai bi kiếp người.

Hồ Tiên: Hay Tiên hồ 仙 壺: Cái bình hay cái bầu dùng để đựng rượu Tiên. Ở đây chỉ cái Tịnh bình chứa nước Cam lồ của Quâm Âm Bồ Tát.

Riêng Đức Quan Âm Bồ Tát tay trái thường hay cầm cái bình chứa nước Cam lồ, gọi là Tịnh bình, tay phải thì cầm nhành dương liễu nhúng vào Tịnh bình để rưới nước Cam lồ cứu giúp chúng sanh.

Vội rót tức thì: Vội vàng rót ra tức thì.

Nước Cam lồ: Hay Cam lộ thủy 甘 露 水: nghĩa là thứ nước sương ngọt mát, một thứ nước huyền diệu Thiêng liêng của Quan Âm Bồ Tát thường dùng để tiêu trừ bịnh tật, giải sạch oan khiên, nghiệt chướng…Nước Cam lồ này được Đức Quan Âm dùng nhành dương nhúng vào để rải, nên còn được gọi là Nước dương.

Nước Cam lộ còn tượng trưng cho lòng từ bi của Bồ Tát Quan Âm. Bởi chúng sanh đang sống trong cõi lửa, bị lửa phiền não thiêu đốt, Bồ Tát mang nước từ bi đến dập tắt và đem lại sự an lành, mát mẽ cho chúng sanh.

Ai bi: Hay bi ai 悲 哀: Buồn rầu thê thảm.

Ai bi kiếp người: Kiếp sống con người ở cõi thế gian gặp nhiều đau khổ, bi ai. Sở dĩ bị buồn rầu, khổ sở là bởi vì con người phải thọ tứ khổ là sinh, lão, bịnh, tử, lại nữa cõi Ta bà này còn chứa đầy những khổ sở do ngũ trược gây ra. Ngũ trược là:

Kiếp trược: Do chúng sanh chịu muôn ngàn nỗi khổ sở trong cuộc sống chẳng cách nào diễn tả nổi, nên gọi là Kiếp trược.

Kiến trược: Do kiến giải hay có thể hiểu là những tư tưởng, suy nghĩ có công năng sai khiến hết thảy chúng sanh tạo tác các ác nghiệp, khiến họ bị đọa lạc trong luân hồi sanh tử, nên gọi là Kiến trược.

Phiền não trược: Những điều khiến tâm tăm tối, buồn phiền, bất an. Có năm yếu tố tạo thành phiền não: Tham (tham lam), sân (hờn giận), si (ngu muội), mạn (kiêu ngạo), nghi (ngờ vực). Do những yếu tố này khiến tâm bị ray rứt, hỗn loạn, mờ đục, nên gọi là Phiền não trược.

Chúng sanh trược: Chúng sanh mê muội, chấp trước vào ngã tướng, nên sanh ra tâm vị kỷ, tâm tư lợi, mà gây tạo bao nhiêu ác nghiệp. Vì tạo ác nghiệp, nên bị đọa những đường ác xấu, hèn hạ để chịu đựng, do vậy gọi là Chúng sanh trược.

Mạng trược: Thân người do duyên hợp, biến đổi không ngừng, không cách nào khống chế nổi. Khi nghiệp lực duy trì các duyên kết hợp lại đã hết, các duyên sẽ chia lìa, vì thế mỗi thân mạng chỉ tồn tại một thời kỳ nhứt định, gọi là Thọ mạng. Thọ mạng bị chấm dứt bất ngờ do những yếu tố ngoại lai như bịnh tật, tai nạn….nên gọi là Mạng trược.

Chính tứ khổ và ngũ trược đã làm cho con người sống nơi thế gian lúc nào cũng bị khổ sở, phiền não, ai bi…ràng buộc vào kiếp sống.

Câu 11- 12: Dùng cái bầu Tiên vội vàng rót nước Cam lồ ra tức thì để rửa sạch những nỗi bi ai của kiếp sống con người.