KINH ĐẠI TƯỜNG

Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,

Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.

Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,

Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.

Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,

Cõi Tây Phang đuổi quỉ trừ ma.

Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,

Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.

Thâu các Đạo hữu hình làm một.

Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,

Tạo đời cải dữ ra hiền,

Bảo sanh nắm giữ diệu huyền Chí Tôn.

THÍCH CA MÂU NI VĂN PHẬTdaituong
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đại Tường do Đức Thích Ca Mâu Ni Văn Phật giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Tuần Đại Tường được làm vào ngày thứ ba trăm (300 ngày), kể từ sau ngày làm tuần Tiểu Tường một ngày.

Theo ý nghĩa Bài Kinh Đại Tường, Đức Phật Thích Ca cho biết vào thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật cai quản từng Hỗn Nguơn Thiên và làm Chánh chủ khảo Long Hoa Hội để tuyển phong những người hiền đức, có nhiều công nghiệp vào ngôi vị Phật.

Ngài còn giáng Chơn linh xuống làm Hộ Pháp Di Đà để dùng Giáng ma xử khu trừ tà tinh quỉ quái, hầu gồm thâu các mối Đạo hữu hình làm thành nền Đại Đạo, thực hiện giềng bảo sanh của Đức Chí Tôn và lập đời Thánh đức.

CHÚ GIẢI:

Hỗn Nguơn Thiên dưới quyền Giáo chủ,

Di Lạc đương thâu thủ phổ duyên.

Hỗn Nguơn Thiên 混 元 天: Theo Di Lặc Chơn Kinh, Hỗn Nguơn Thiên là một tầng Trời do Đức Di Lặc Vương Phật chưởng quản.

Dưới quyền Giáo Chủ: Dưới quyền chưởng quản của Giáo Chủ là Đức Di Lặc Vương Phật.

Đương 當: Đang lúc, đảm đương hay đảm trách.

Thâu thủ 收 守: Thâu nhận và gìn giữ.

Phổ duyên 普 緣: Cứu giúp những người hữu duyên ở khắp mọi nơi.

Câu 1: Tầng Trời Hỗn Nguơn thuộc quyền chưởng quản của Đức Giáo Chủ Di Lặc Vương Phật.

Câu 2: Trong thời Tam Kỳ Phổ Độ, Đức Di Lặc Vương Phật đang thu nhận và gìn giữ những người có duyên căn với Phật trong khắp mọi nơi.

Tái sanh sửa đổi Chơn truyền,

Khai cơ tận độ Cửu tuyền diệt vong.

Tái sanh 再 生: Được sinh lại một lần nữa. Ý nói Đức Phật Di Lặc được giáng linh lại một lần nữa.

Sửa đổi: Cải sửa giáo pháp lại cho phù hợp với thời kỳ và trình độ của chúng sanh.

Chơn truyền 真 傳: Giáo pháp chơn thật của một nền Tôn giáo được các vị Giáo chủ hay Tổ sư truyền lại sau này cho chúng sanh.

Khai cơ 開 機: Mở ra một cơ quan.

Tận độ 盡 度: Cứu giúp hết tất cả chúng sanh không chừa một ai, không chừa một người nào.

Cửu tuyền 九 泉: Chín suối, chỉ nơi Âm Phủ.

Tương truyền nơi cõi Âm Phủ có chín ngọn suối cát màu vàng, nên người ta thường gọi Âm Phủ chín suối hay suối vàng (Huỳnh tuyền 黃 泉).

Diệt vong 滅 亡: Làm cho mất hết.

Câu 3: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng linh xuống cõi trần một lần nữa để sửa đổi lại những giáo pháp của các nền Tôn giáo xưa cho đúng với chơn truyền.

Câu 4: Đức Phật Di Lặc cho bãi bỏ Địa ngục và mở ra một cơ quan tận độ chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Hội Long Hoa tuyển phong Phật vị,

Cõi Tây Phang đuổi quỉ trừ ma.

Hội Long Hoa 龍 花 會: Một đại hội do Đức Di Lặc Vương Phật làm chủ khảo để tuyển lựa người hiền đức vào hàng Tiên, Phật vị.

Long hoa 龍 花 là một loại cây có hình giống như một con rồng, có nở hoa. Do Đức Phật Di Lặc đắc đạo tại cội cây Long hoa này, nên khi Ngài mở và làm chủ một Đại hội, được gọi là Đại hội Long Hoa. Đại hội, có nhiệm vụ tuyển chọn những bậc hiền lương, đạo đức, không phân biệt chủng tộc, nòi giống, hiệp nhau làm một trong cuối thời kỳ Hạ nguơn Tam chuyển để tạo dựng lại đời Thượng nguơn Tứ chuyển, tức Thượng nguơn Thánh đức.

Tuyển phong 選 封: Chọn lựa người hiền lương, đạo đức, đầy đủ công nghiệp để phong thưởng.

Phật vị 佛 位: Ngôi vị Phật.

Cõi Tây phang: Hay cõi Tây phương 西 方 tức là chỉ cõi Tây phương Cực Lạc, hoặc Cực Lạc Thế Giới của Đức A Di Đà Phật.

Đuổi quỉ trừ ma: Xua đuổi và trừ khử ma quỉ.

Đạo cao ma khảo, hễ có trường thi công quả tất có cơ khảo thí theo phép công bình Thiên đạo để chịu cơ thử thách mà người tu không sa ngã mới đáng đăng tên vào Tiên tịch, nên ma khảo thời kỳ nào cũng có và ở bất cứ nơi đâu, Thánh giáo có dạy: “Các con hiểu rằng, trong Tam thiên Thế giới còn có quỉ mị chuyển kiếp ở lộn cùng các con thay, huống lựa là Thất thập nhị Địa này, sao không có cho đặng?”. Ở cõi Tây phương ma quỉ tà quái cũng có để khảo các bậc chơn tu, nhưng dù có lộng hành đi nữa, thì Đức Phật Di Lặc, Giáo chủ cõi đó có nhiệm vụ xua đuổi và trừ khử chúng.

Câu 5: Đức Di Lặc Vương Phật mở ra một Đại hội Long Hoa để tuyển chọn những bậc hiền lương đạo đức, có công nghiệp để phong vào ngôi vị Phật.

Câu 6: Nơi cõi Tây phang, Đức Phật Di Lặc xua đuổi và trừ khử quỉ ma thử thách bậc chân tu.

Giáng linh Hộ Pháp Di Đà,

Chuyển cây Ma Xử đuổi tà trục tinh.

Giáng linh 降 靈: Chiết chơn linh giáng xuống cõi trần. Tỉ như Đức Quan Âm Bồ Tát là do Từ Hàng Bồ Tát giáng Chơn linh xuống phàm rồi tu hành đắc quả.

Hộ Pháp Di Đà 護 法 彌 陀: Theo Phật giáo, Hộ Pháp Di Đà là vị Thần bảo vệ Phật pháp, hộ trì Tam bảo, giữ gìn cho Phật pháp được tồn tại. Trong các chùa Phật, người ta thường thờ tượng Hộ Pháp Di Đà cầm cây Giáng ma xử đặt nơi bàn thờ đối diện với Đại Hùng Bửu Điện, tức Chánh điện Phật.

Theo Đạo Cao Đài, Hộ Pháp là một phẩm chức sắc Hiệp Thiên Đài cao nhứt, nắm quyền Chưởng Quản Hiệp Thiên Đài, đối phẩm với hàng Phật vị.

Theo Thánh Ngôn Hiệp Tuyển, đêm 22 rạng 23 tháng 4 năm 1926, Đức Chí Tôn trục xuất Chơn thần của Ngài Phạm Công Tắc để Chơn thần Ngự Mã Thiên Quân nhập vào thân xác Phạm Công Tắc. Vì thế, Ngài Phạm Công Tắc trở thành Hộ Pháp của Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Nguyên căn Ngài Phạm Công Tắc là Ngự Mã Thiên Quân, được phong Hộ Giá Tiên Đồng Tá Cơ Đạo Sĩ.

Nơi Tòa Thánh Tây Ninh, Đức Hộ Pháp được thờ đối diện với ngôi Chánh Điện Đức Chí Tôn, hai bên Ngài là Thượng Phẩm và Thượng Sanh, sau lưng Ngài vẽ chữ Khí để thờ. Ngài ngự trên thất đầu xà, mình mặc Kim Khôi Kim Giáp, tay cầm cây Giáng ma xử. (xem h ình trang 191)

Ma xử: Hay gọi Ma chử 魔 杵 là viết tắt của Giáng ma xử hay Hàng ma xử, nghĩa là cái chày để hàng phục ma vương quỉ quái. Cây Giáng ma xử là một bửu bối của Vi Hộ, sau thành Hộ Pháp, trong truyện Phong Thần, hay Đức Hộ Pháp trong nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, tức Đạo Cao Đài.

Câu 7: Đức Di Lặc Vương Phật sẽ giáng Chơn linh xuống phàm làm một vị Hộ Pháp Di Đà.

Câu 8: Đức Hộ Pháp chuyển cây Giáng ma xử để xua đuổi trừ khử tà tinh quỉ quái.

Thâu các Đạo hữu hình làm một.

Trường thi Tiên, Phật dượt kiếp khiên,

Thâu các Đạo hữu hình làm một: Thâu các Tôn giáo hiện có ở nơi thế gian làm thành một nền Đại Đạo, có một tín ngưỡng duy nhất dưới quyền giáo hóa của Đức Di Lặc Vương Phật.

Trường thi Tiên Phật: Tức là một trường thi để tuyển chọn người có phẩm hạnh hoàn toàn, và có công lao xứng đáng để đắc vào quả Tiên Phật. Thánh giáo Đức Chí Tôn có dạy: “Người dưới thế này, muốn giàu có phải kiếm phương thế mà làm ra của. Còn Thần, Thánh, Tiên, Phật muốn cho đắc Đạo, phải có công quả. Thầy đến độ rỗi các con là thành lập một trường công đức cho các con nên đạo. Vậy đắc Đạo cùng chăng là tại nơi các con muốn cùng chẳng muốn. Nếu chẳng đi đến trường Thầy lập mà đoạt thủ địa vị mình thì chẳng đi nơi nào khác mà đắc đạo bao giờ”.

Trường thi Tiên Phật là một trường thi trong kỳ Đại hội Long Hoa do Đức Di Lặc Vương Phật làm chủ khảo để tuyển lựa và phong thưởng những bậc hiền lương đạo đức vào Tiên hay Phật vị.

Dượt: Tức là khảo duyệt, nghĩa là thử thách để đánh giá trị cao hay thấp.

Kiếp khiên 愆 劫: Những tội lỗi đã gây ra trong kiếp sống nơi cõi thế gian.