KINH ĐỆ THẤT CỬU

Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,

Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan.

Đẹp xinh cảnh vật đòi ngàn,

Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên.

Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo hóa,

Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.

Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,

Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen.

Động Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp,

Dở Kim Cô đưa tiếp linh quang.

Im lìm kìa cõi Niết Bàn,

Lôi Âm trống thúc lên đàng Thượng Tiêu.

THẤT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG
thatcuu
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đệ Thất Cửu do Thất Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Thất Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ bảy trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Thất Nương mặc áo màu vàng, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay cầm Bông Sen.

Thất Nương được Phật Mẫu ban cho nhiệm vụ dùng văn chương thi phú để dìu dắt ba vị Đại Thiên phong phò cơ là Cao Quỳnh Cư, Phạm Công Tắc, Cao Hoài Sang theo đường Đạo đức, rồi dẫn đến tiền khai nền Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ. Ngoài ra, Bà có nhiệm vụ tiếp dẫn các Chơn hồn lên tầng Trời Hạo Nhiên Thiên, rồi nhờ tu hành đắc quả, nên được đưa vào cung Chưởng Pháp bái kiến Chuẩn Đề Bồ Tát. Phật Dà Lam dẫn Chơn hồn về Tây Phương Cực Lạc, tức cõi Niết Bàn có trống Lôi Âm thúc giục đưa tiễn đi.
CHÚ GIẢI:

Nhẹ phơ phới dồi dào không khí,

Hạo Nhiên Thiên đã chí môn quan.

Nhẹ phơ phới: Rất nhẹ nhàng.

Dồi dào: Nhiều.

Không khí 空 氣: Đây không phải là khí thường mà là Hạo nhiên chi khí 浩 然 之 氣, còn gọi là Hỗn nguơn khí 混 元 氣 hay khí sinh quang 生 光 氣, là cái khí chất to lớn, sáng sũa trong bầu trời.

Hạo Nhiên Thiên 浩 然 天: Tầng Trời Hạo Nhiên do Đức Chuẩn Đề Bồ Tát và Phổ Hiền Bồ Tát chưởng quản, nơi đây có cung Chưởng Pháp nắm về pháp luật, vì vậy trong Di Lặc Chơn Kinh gọi tầng Trời này là Hạo Nhiên Pháp Thiên 浩 然 法 天.

Chí 至: Đến, tới.

Môn quan 門 關: Cái cửa đi vào Hạo Nhiên Thiên.

Câu 1:Đến cõi này, Chơn hồn nhẹ nhàng bay trong bầu Trời chứa đầy nguyên khí.

Câu 2: Và đến tận cửa vào tầng trời Hạo Nhiên Thiên.

Đẹp xinh cảnh vật đòi ngàn,

Hào quang chiếu diệu khai đàng thăng Thiên.

Đẹp xinh: Xinh đẹp, tươi đẹp.

Đòi ngàn: Rất nhiều rừng núi, hay rừng núi chập chùng.

Hào quang 毫 光: Ánh sáng rực rỡ được tỏa ra từ thân thể của các Đấng Tiên Phật hoặc các nơi Thiêng Liêng.

Chiếu diệu 照 耀: Chiếu sáng rực rỡ.

Khai đàng: Khai đường, mở đường.

Thăng Thiên 升 天: Bay lên Trời.

Câu 3: Đến từng Hạo Nhiên Thiên, Chơn hồn nhìn thấy cảnh vật rừng núi chập chồng rất nên xinh đẹp.

Câu 4: Ánh hào quang chiếu sáng rực rỡ mở ra một con đường bay lên cao.

Cung Chưởng Pháp xây quyền Tạo hóa,

Kiến Chuẩn Đề thạch xá giải thi.

Cung Chưởng Pháp 掌 法 宮: Một Cung chưởng quản về pháp luật trong từng Hạo Nhiên Thiên. Vì thế, trong Di Lặc Chơn Kinh mới gọi tầng Trời này là Hạo Nhiên Pháp Thiên.

Xây quyền: Xây dựng quyền hành.

Tạo Hóa 造 化: Sáng tạo và hóa sinh vạn vật trong Càn Khôn Vũ Trụ. Chỉ Đức Chí Tôn.

Kiến 見: Gặp, bái kiến.

Chuẩn Đề 準 提: Theo Phật Giáo Bắc tông, Chuẩn Đề là một hóa thân của Ngài Bồ Tát Quán Thế Âm, nên được gọi là Chuẩn Đề Quán Âm, Chuẩn Đề Phật Mẫu hay Thất Cu Chi Phật Mẫu.

Theo Thất Cu Chi Phật Mẫu Chuẩn Đề Đà La Ni Kinh, thân vị Bồ Tát này có màu vàng trắng, ngồi kiết già trên đài sen, có hào quang tỏa sáng chung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu có 3 mắt, đầu trang điểm ngọc Anh lạc, có 18 tay đều đeo vòng xuyến, hai tay chắp nơi ngực, hai tay để nơi bụng, còn 14 tay kia, mỗi bên bảy cánh tay đều có cầm bửu bối.

Chuẩn Đề Bồ Tát chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sanh có mạng sống ngắn ngủi để được thọ mạng dài lâu.

Căn cứ Di Lặc Chơn Kinh và Kinh Thất Cu Chi thì Đức Chuẩn Đề Bồ Tát chưởng quản từng Hạo Nhiên Thiên và ngự nơi Cung Chưởng Pháp.

Thạch xá 石 舍: Ngọc thạch xá lợi.

Thân xác các bậc đắc đạo, sau khi chết rồi hỏa táng, xương cốt còn lại là những tinh thể tròn hạt, rắn chắc như viên đá sáng lóng lánh, cho nên người ta gọi những tinh thể đó là thạch xá lợi hay ngọc xá lợi.

Giải thi 解 屍: Cỗi bỏ hình thể, chết rồi.

Thạch xá giải thi: Nơi thế gian một con người tu hành đắc đạo, khi giải bỏ hình thể, hay hỏa táng thì sẽ được những viên ngọc đá xá lợi.Cho nên từ “Thạch xá giải thi” được dùng để chỉ sự đắc đạo.

Câu 5: Cung Chưởng Pháp, là nơi chưởng quản về pháp luật, điều khiển Càn Khôn Vũ Trụ, xây dựng nên quyền của Tạo Hóa.

Câu 6: Khi tu hành đắc Đạo, sau khi giải thể, Chơn linh đến cõi Hạo Nhiên Thiên sẽ được đến bái kiến Đức Chuẩn Đề.

Dà Lam dẫn nẻo Tây Qui,

Kim chung mở lối kịp kỳ kỵ sen

Dà Lam 伽 藍: Hay Già Lam là phiên âm từ tiếng Phạn: Asharam nghĩa là khu vườn ngoạn cảnh, hay chỉ Tịnh xá. Từ gọi chung chỉ chùa chiền, trung tâm tu học, thiền định.

Ngoài ra, Dà Lam còn dùng để chỉ ngôi vị Phật, gọi là Phật Dà Lam, có nhiệm vụ dìu dắt các Chơn linh đắc đạo đến cõi Cực Lạc Thế Giới.

Nói về Quan Thánh Đế Quân đắc quả vị Phật, Đức Hộ Pháp thuyết đạo tại Đền Thánh ngày 23-7-1938 nói như sau: “Ngài giữ trọn Tam cang: Trung, Nghĩa, Chánh trực công bình. Đến buổi Ngài qui vị thì đặng hiển Thánh, nhờ Phổ Tịnh Thiền Sư đến khai linh nên đặng phi thăng yết kiến Thượng Đế mới đắc hàng phẩm Phật Dà Lam”.

Dẫn nẻo: Dẫn dắt đường.

Tây Qui 西 歸: Đi về hướng tây, tức là cõi Cực Lạc Thế Giới.

Kim chung 金 鐘: Cái chuông vàng.

Mở lối: Mở đường.

Kịp kỳ: Cho kịp lúc.

Kỵ 騎: Cỡi lên, ngồi lên.

Kỵ sen: Cỡi lên bông sen Thiêng liêng.

Câu 7: Chơn linh được Đức Phật Dà Lam dẫn đường bay về hướng Tây Cực Lạc Thế Giới.

Câu 8: Tiếng chuông vàng ngân lên, mở đường cho Chơn linh kịp bước để theo Tòa sen Thần đưa đi.

Động Phổ Hiền Thần Tiên hội hiệp,

Dở Kim Cô đưa tiếp linh quang.

Động Phổ Hiền 普 賢 洞: Ngụ xứ của Đức Phổ Hiền Bồ Tát.

Phổ Hiền Bồ Tát 普 賢 菩 薩: Dịch theo tiếng Phạn Tam Man Đa Bạt Đà La Bồ Tát 三 縵 多 跋 陀 羅 菩 薩 (Samantabhadra Bodhisattva). Là một vị Bồ Tát lớn trong Phật Giáo Đại Thừa, tượng trưng cho Đức hạnh. Phổ Hiền có nghĩa là sự hiền đức phổ cập khắp nơi. Danh hiệu Ngài có nghĩa là “Đại Hạnh”, nghĩa là đức hạnh khắp tất cả pháp giới. Phổ Hiền là vị Bồ Tát chủ về Chân lý, về thiền định và hành vi của chư Phật. Trong các chùa, tượng của Ngài thường đặt bên phải tượng Phật Thích Ca, tay cầm ngọc như ý, cỡi trên voi trắng sáu ngà ( tuợng trưng cho lục độ hoặc vượt qua sự dính mắc của sáu giác quan).

Thích Ca Tam Tôn là chỉ ba tượng thờ gồm ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca, bên phải là tượng Đức Phổ Hiền cỡi voi trắng sáu ngà, tượng trưng cho chân lý, bên trái là tượng Đức Văn Thù Bồ Tát cỡi sư tử xanh, tượng trưng cho trí tuệ.

Bồ Tát Phổ Hiền có 10 điều nguyện lớn (Phổ Hiền Thập Nguyện).

Thần Tiên hội hiệp 神 仙 會 合: Hội họp các Đấng Thần Tiên.

Kim cô 金 箍: Cái vòng phép bằng vàng đặt lên đầu.

Trong truyện Tây Du, Tam Tạng không thể sai khiến được học trò là Tề Thiên Đại Thánh. Sau nhờ Quan Âm Bồ Tát đặt chiếc vòng Kim Cô lên đầu của Tề Thiên, nên Tam Tạng mới phục được học trò, bởi nếu Tề Thiên chẳng tuân lịnh thì Tam Tạng sẽ niệm Kim Cô chú, khiến phải đau đớn mà nghe theo.

Linh quang 靈 光: Điểm Linh quang, tức là Chơn linh.

Câu 9: Nơi Động Phổ Hiền, chư Thần Tiên cùng nhau hội hiệp.

Câu 10: Dở cái Kim cô ra để Chơn linh tiếp tục bay đi.

Linh quang là điểm Chơn linh nhẹ nhàng, trong sạch được chiết ra từ Đại Linh quang của Thượng Đế. Nhưng bởi oan khiên, nghiệp quả, làm cho Chơn thần bị trọng trược trì níu, sai khiến Chơn linh, tỉ như vòng Kim cô trói buộc chặt Chơn linh vậy. Đến Hạo Nhiên Thiên, Chơn linh được các Đấng dở cái Kim cô, tức như cởi sự trói buộc để Linh quang được nhẹ nhàng mà tiếp tục bay lên.

Im lìm kìa cõi Niết Bàn,

Lôi Âm trống thúc lên đàng Thượng Tiêu..

Im lìm kìa cõi Niết Bàn: Niết Bàn có nghĩa là hư vô tịch diệt, nên là nơi thanh tịnh vắng lặng, tức im lìm, không tiếng động.

Lôi Âm trống: Tức Lôi Âm cổ 雷 音 鼓. Sở dĩ gọi tiếng trống Lôi Âm là vì âm thanh của tiếng trống kêu lớn như sấm sét.

Thúc: Thúc giục.

Thượng Tiêu 上 霄(*) : Đi lên các từng Trời.

Câu 11: Kìa là cõi Niết Bàn hoàn toàn yên lặng.

Câu 12: Tiếng trống Lôi Âm thúc giục Chơn hồn lên đường vào các từng Trời.