KINH ĐỆ LỤC CỬU

Bạch Y Quan mở đàng rước khách,

Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.

Vào cung Vạn Pháp xem qua,

Cho tường cựu nghiệp mấy tòa Thiên nhiên,

Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự,

Lãnh Kim sa đặng dự Như Lai.

Minh Vương Khổng Tước cao bay.

Đem Chơn thần đến tận đài Huệ Hương.

Mùi ngào ngạt thơm luôn Thánh thể,

Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.

Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan,

Đưa linh thẳng đến Niết Bàn mới thôi.

LỤC NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

luccuu
NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đệ Lục Cửu do Lục Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Lục Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ sáu trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện tại Báo Ân Từ, Lục Nương mặc áo màu đỏ, ngồi bên mặt Đức Phật Mẫu, tay cầm phướn Tiêu Diêu (hay phướn Truy Hồn).

Lục Nương có nhiệm vụ cầm phướn Truy Hồn tiếp dẫn các Chơn hồn lên tầng Kim Thiên, rồi đưa Chơn hồn vào cung Vạn Pháp để xem lại cựu nghiệp của mình, tiếp tục vào cung Lập Khuyết xem lại ngôi xưa vị cũ, và được chim Khổng tước chở lên đài Huệ Hương khử trừ trược khí rồi vào cõi Niết Bàn.

CHÚ GIẢI:

Bạch Y Quan mở đàng rước khách,

Cõi Kim Thiên nhẹ tách Tiên xa.

Bạch Y Quan 白 衣 冠: Một miền nơi cõi Kim Thiên có ánh sáng đều màu trắng.

Mở đàng rước khách: Khai mở con đường để tiếp rước khách.

Nhẹ tách: Nhẹ nhàng rời khỏi.

Tiên xa 仙 車: Chiếc xe Tiên.

Câu 1: Nơi miền Bạch Y Quan đường vào cửa được mở ra để sẵn sàng tiếp rước khách.

Câu 2: Chơn hồn nhẹ nhàng rời khỏi chiếc xe Tiên để đi vào cõi Kim Thiên.

Vào cung Vạn Pháp xem qua,

Cho tường cựu nghiệp mấy tòa Thiên nhiên,

Cung Vạn Pháp: Hay Vạn Pháp Cung 萬 法 宮, là một cung nơi tầng Kim Thiên.

Tường 詳: Biết rõ.

Cựu nghiệp 舊 業: Sự nghiệp cũ, tức là tất cả những sự nghiệp do nhiều kiếp sống trước đã tạo ra.

Tòa thiên nhiên: Thiên nhiên tọa 天 然 座: Nghĩa là một cái tòa tự nhiên, tức là ngôi vị do nhiều kiếp trước ở nơi thế gian mình tạo công đức mà được. Ngôi vị này cao hay thấp là do công đức mình làm trong kiếp sanh nhiều hay ít.

Câu 3-4: Đến cõi Kim Thiên, Chơn hồn được đưa vào Cung Vạn Pháp để xem cho biết sự nghiệp cũ của mình tạo nơi thế gian được ngôi thiên nhiên cao hay thấp.

Theo ý nghĩa Kinh, Chơn hồn đến tầng Kim Thiên rồi được đưa vào cung Vạn Pháp, một cung huyền diệu, thiên biến vạn hóa, nơi đó hiện ra cho thấy những tòa Thiên nhiên, tức là những ngôi vị đã định sẵn do duyên nghiệp mà Chơn hồn tạo lập từ trước hay kiếp sanh vừa qua trên cõi thế gian.

Cung Lập Khuyết tìm duyên định ngự,

Lãnh Kim sa đặng dự Như Lai.

Cung Lập Khuyết 立 闕 宮: Một cung nơi cõi Kim Thiên.

Tìm duyên: Noi theo ngôi vị cũ mà tìm về.

Định ngự: Ý định ngồi lên.

Lãnh: Tiếp nhận.

Kim sa 金 沙: Hạt cát vàng. Đây là phép của Đức Phật, tượng trưng cho hiệu lịnh mà mỗi Chơn hồn phải đến lãnh để được gặp Đức Như Lai.

Đặng dự: Được tham dự.

Như Lai 如 來: Theo Kinh Kim Cương, Như Lai là bậc không từ đâu mà tới và cũng sẽ không đi tới đâu. Như Lai từ Chân như tới và sẽ đi về chân như.

Như Lai là một trong mười danh hiệu Phật để chỉ bậc giác ngộ viên mãn.

Câu 5: Chơn hồn vào Cung Lập Khuyết tìm lại ngôi vị cũ để được ngự lên.

Câu 6: Chơn hồn đến lãnh Kim sa lịnh của Phật để được dự hội nghị Như Lai.

Minh Vương Khổng Tước cao bay.

Đem Chơn thần đến tận đài Huệ Hương.

Minh vương 明 王: Chỉ các vị Tôn giả theo hầu đức Phật.

Khổng tước 孔 雀: Chim công, giống như chim trĩ: Thân dài hơn ba thước, cánh ngắn nhỏ, chim trống rực rỡ, hoa lệ. Lông đuôi cực dài, lúc xoè ra dựng lên như cái quạt lớn, sắc biếc, có những điểm vàng viền xanh, trông như những con mắt to. Giống chim này sống ở những nước thuộc nhiệt đới như Ấn Độ, Thái Lan…

Khổng tước là một loại điểu thú của Chuẩn Đề Bồ Tát cỡi. Nguyên căn là một con công, tu thành Tiên với tên là Khổng Tuyên, vào thời nhà Châu bên Trung Hoa. Sau được Đức Chuẩn Đề thu phục, làm một vị tôn giả cho Ngài và chở Ngài đi vân du các cõi.

Đài Huệ Hương 慧 香 臺: Một ngôi đài ngát thơm ở Tầng Kim Thiên.

Câu 7-8: Minh Vương Khổng Tước, vị sứ giả của Phật đến chở Chơn thần bay cao và đưa tận Đài Huệ Hương.

Mùi ngào ngạt thơm luôn Thánh thể,

Trừ tiêu tàn ô uế sinh quang.

Mùi ngào ngọt: Mùi thơm ngọt ngào.

Thánh thể 聖 體: Thân thể hay hình hài thiêng liêng, tức chỉ Chơn thần.

Trừ tiêu tàn 除 消 殘: Diệt trừ cho tiêu mất.

Ô uế 污 穢: Dơ bẩn.

Sinh quang 生 光: Khí sinh quang, một chất khí bàng bạc trong Càn Khôn Vũ Trụ, tạo ra sinh khí và nuôi dưỡng cho vạn linh.

Câu 9: Vào Đài Huệ Hương, mùi ngào ngọt làm thơm luôn Thánh thể (tức Chơn thần).

Câu 10: Mùi thơm đó tiêu trừ hết được mùi ô uế trong khí sinh quang.

Thiên thiều trổi tiếng nhặt khoan,

Đưa linh thẳng đến Niết Bàn mới thôi.

Thiên thiều 天 韶: Nhạc thiều của Trời.

Trổi tiếng: Âm thanh trổi lên.

Nhặt khoan: Khi nhanh khi chậm.

Đưa linh: Đưa chơn linh đi.

Niết bàn 涅 槃: Cảnh giới giải thoát, cứu cánh của các bậc đã giác ngộ. Theo nghĩa tiêu cực, Niết bàn là hủy diệt sinh tử, hủy diệt thế giới dục vọng. Theo nghĩa tích cực, là cảnh giới của tâm giải thoát trọn vẹn hết tham sân si, an lạc, hạnh phúc.

Nhưng theo nghĩa Kinh, Niết bàn là chỉ cõi giới Phật.

Câu 11-12: Âm thanh khúc nhạcThiên thiều thổi lên khi nhanh khi chậm vang đến để đưa tiễn Chơn linh thẳng đến cõi Niết bàn mới thôi.