KINH ĐỆ NHỊ CỬU

Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,

Chén trường sanh có lịnh ngự ban,

Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,

Chơn Thần khá đến hội hàng chư linh.

Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp,

Cổi giác thân lên đạp Ngân Kiều.

Đẩu tinh chiếu thấu Nguyên Tiêu,

Kim quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.

Khí trong trẻo dường như băng tuyết,

Thần im đìm dường nét thiều quang.

Xa chừng thế giái Địa Hoàn,

Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.

NHỊ NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Kinh Đệ Nhị Cửu do Nhị Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Nhị Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ nhì trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Nhị Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay ôm Lư hương.

Nhị Nương có nhiệm vụ cai quản vườn đào Tiên của Phật Mẫu, mở tiệc trường sanh thết đãi Chơn hồn rồi dìu dắt các Chơn hồn đến Ngân Kiều để cỡi Kim quang bay lên Ngọc Hư Cung chầu Thượng Đế.

CHÚ GIẢI:

Tây Vương Mẫu vườn Đào ướm chín,

Chén trường sanh có lịnh ngự ban,

Tây Vương Mẫu 西 王 母: Tức là Đức Diêu Trì Kim Mẫu.

Vườn Đào: Vườn trồng cây Đào Tiên nơi Diêu Trì Cung. Đào Tiên là một loại cây có trái rất quí, chín ngàn năm mới có trái chín một lần, nên khi ăn được trái Đào Tiên thì được trường sanh bất tử.

Theo Đức Hộ Pháp, nơi Diêu Trì Cung, “Phật Mẫu trụ sanh quang lại thành một khối gọi là quả Đào Tiên, đủ phép sống vĩnh viễn trường tồn nơi cõi Hư Linh”.

Hội Yến Bàn Đào là một bữa tiệc mà Đức Phật Mẫu dành ban thưởng cho các Chơn linh đắc quả về hội hiệp cùng Ngài.

Ướm chín: Sắp sửa chín.

Chén: Một vật để đựng rượu, từ Hán Việt gọi là bôi 杯.

Trường sanh 長 生: Sống lâu dài. Đây là một loại rượu nơi cõi Thiêng Liêng, uống vào thì được trường thọ.

Chén trường sanh: Chén rượu trường sanh.

Ngự ban 御 頒: Là một tiếng tôn xưng để chỉ Tây Vương Mẫu ban tặng.

Câu 1: Nơi Diêu Trì Cung có vườn Đào Tiên của Phật Mẫu, trái vừa sắp sửa chín.

Câu 2: Chơn hồn được Đức Phật Mẫu ban cho chén rượu trường sanh.

Tiệc hồng đã dọn sẵn sàng,

Chơn Thần khá đến hội hàng chư linh.

Hồng 洪: Lớn.

Tiệc hồng: Yến tiệc to lớn, tiệc long trọng.

Khá đến hội: Nên đến dự hội.

Chư linh 諸 靈: Chư vị Thiêng Liêng.

Câu 3: Yến tiệc long trọng đã chuẩn bị sẵn sàng.

Câu 4: Chơn Thần khá đến hội hiệp cùng các Đấng Thiêng Liêng.

Đức Phật Mẫu thương xót chúng sanh đang trầm luân trong khổ hải, nên Ngài cùng Cửu Vị Tiên Nương hằng tìm cách tận độ tất cả chúng sanh về với cung Diêu Trì, bên Bà Mẹ Thiêng Liêng. Trong bài Kinh “Tán Tụng Công Đức Diêu Trì Kim Mẫu” có câu:

Ngồi trông con đặng phi thường,

Mẹ đưa con đến tận đường hằng sanh.

Chính vì thế, Chơn linh nào đắc Đạo sẽ được Phật Mẫu ban thưởng, được Nhị Nương tiếp rước vào nhập tiệc Bàn Đào, cùng dự với chư Thiêng Liêng. Theo Đức Hộ Pháp, Hội Yến Diêu Trì là ăn được quả Đào Tiên, uống được Tiên tửu, mới nhập vô cảnh Thiêng Liêng Hằng Sống gọi là Nhập Tịch. Đây là phần thưởng cao trọng cho các Chơn linh đắc quả.

Đã thấy đủ Thiên đình huyền pháp,

Cổi giác thân lên đạp Ngân Kiều.

Thiên đình 天 廷: Triều đình nơi cõi Thiêng Liêng. Chỉ cõi Trời.

Huyền pháp 玄 法: Phép huyền diệu.

Cổi: Giải bỏ.

Giác thân 覺 身: Cái thân có sự hiểu biết, có ngũ giác quan. Đó là chỉ thân phàm.

Ngân kiều 銀 橋: Cây cầu bắc qua sông Ngân Hà.

Ngân Hà 銀 河 là một con sông nơi cõi Thiêng Liêng. Tương truyền Ngưu Lang Chức Nữ bị phạt, chia cách tình yêu giửa sông Ngân, mỗi năm chỉ gặp nhau có một lần mà thôi. Vì thế, Ngân Hà được coi như là một dòng sông đau khổ.

Câu 5: Đến đây Chơn hồn mới thấy đủ các huyền phép của cõi Thiêng Liêng.

Câu 6: Giải bỏ xác thân phàm, Chơn thần mới bước chân lên cầu bắt qua sông Ngân.

ĐẩuTinh chiếu thấu Nguyên Tiêu,

Kim Quang kiệu đỡ đến triều Ngọc Hư.

Đẩu Tinh 斗 星: Ngôi sao Bắc Đẩu. (Xem chú thích Kinh Cầu Hồn Khi Hấp Hối)

Nguyên Tiêu 元 霄: Từng Trời đầu tiên.

Kim quang 金 光: Ánh sáng màu vàng.

Kiệu 轎: Cái đồ dùng để khiêng người đi.

Kim quang kiệu đỡ: Ánh sáng màu vàng làm như chiếc kiệu để đỡ Chơn hồn đi.

Đến triều: Tới để chầu lễ.

Ngọc Hư 玉 虛: Ngọc Hư Cung, cung ngự của Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Câu 7: Sao Bắc Đẩu chiếu sáng thấu đến tầng Trời đầu tiên.

Câu 8: Ánh sáng màu vàng (hào quang) làm thành chiếc kiệu đỡ gót cho Chơn thần để đưa đến chầu Đức Chi Tôn nơi Ngọc Hư Cung.

Khí trong trẻo dường như băng tuyết,

Thần im đìm dường nét thiều quang.

Khí Thần 氣 神: Là hai trong ba thể Tam bửu của con người. Tinh là xác thân đã bị giải thể, khí là Chơn thần và thần là Chơn linh.

Băng tuyết 冰 雪: Giá và tuyết. Chỉ sự trong sạch.

Im đìm: Im lặng.

Thiều quang 韶 光: Ánh sáng tốt đẹp. Ánh sáng mùa xuân.

Câu 9: Chơn thần trong suốt và tinh khiết như là băng giá.

Câu 10: Chơn linh lặng lẽ im đìm dường như ánh sáng mùa xuân đẹp.

Chơn thần và Chơn linh của người tu hành khi thoát khỏi hình hài trọng trược nơi thế gian rồi, Chơn thần là một thể khí trong sạch như băng tuyết và đặng nhẹ nhàng thanh thoát, cùng với Thần hay Chơn linh là một lằn ánh sáng đẹp đẽ, im đìm, cả hai đều cùng trở về với cõi Hư linh, tức cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.

Xa chừng thế giới Địa hoàn,

Cõi Thiên đẹp thấy nhẹ nhàng cao thăng.

Xa chừng: Xa độ khoảng.

Địa hoàn 地 環: Khắp cả trái đất. Chỉ Địa cầu.

Cõi Thiên đẹp thấy: Thấy được cõi Thiêng Liêng đẹp đẽ.

Cao thăng 高 升: Thăng lên cao.

Câu 11: Chơn thần đã bay khá xa với thế giới của Địa cầu này.

Câu 12: Thấy được cõi Thiêng Liêng đẹp đẽ, nên Chơn thần nhẹ nhàng thăng lên cao.