KINH ĐỆ NHỨT CỬU

Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,

Khối hình hài đã chịu rã tan.

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,

Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.

Kìa Thiên cảnh con đường vọi vọi,

Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu,

Cung Thiềm gắng bước cho mau,

Thoát ba Thần phẩm đứng đầu Tam Thiên,

Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,

Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh,

Đem mình nương bóng Chí Linh,

Định tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa.

Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh,

Phách anh linh ắt phải anh linh.

Quản bao thập ác lục hình,

Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn.

NHỨT NƯƠNG DIÊU TRÌ CUNG

NGUỒN GỐC Ý NGHĨA:

Kinh Đệ Nhứt Cửu là một bài Kinh do Nhứt Nương Diêu Trì Cung giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ.

Nhứt Nương Diêu Trì Cung là vị Tiên Nương đứng hàng thứ nhứt trong Cửu Vị Tiên Nương. Nơi Chánh Điện thờ tại Báo Ân Từ, Nhứt Nương mặc áo màu xanh, ngồi bên trái Đức Phật Mẫu, tay ôm đàn Tỳ bà. Nhứt Nương còn được gọi là Huỳnh Hoa Tiên Nữ.

Nhiệm vụ của Nhứt Nương là cai quản vườn Ngạn Uyển nơi Diêu Trì Cung. Nơi vườn Ngạn Uyển có một bông hoa nở tức là một Chơn linh xuống trần đầu kiếp, có một bông hoa héo tàn thì có một Chơn linh thoát xác.

CHÚ GIẢI:

Vườn Ngạn Uyển sanh hoa đã héo,

Khối hình hài đã chịu rã tan.

Ngạn uyển 岸 苑: Vườn hoa của Đức Diêu Trì Kim Mẫu do Bà Nhứt Nương Diêu Trì Cung trông coi.

Sanh hoa đã héo: Một cánh hoa được sanh ra ở vườn Ngạn uyển nay đã héo tàn, tức là có một sanh mạng ở thế gian vừa mới chết.

Khi có một Chơn linh giáng kiếp xuống trần thì trên vườn Ngạn uyển có một bông hoa vừa nở ra. Chơn linh làm điều thiện lương chân chánh thì sắc hoa tươi thắm, Chơn linh làm điều tà mị, gian ác thì hoa sẽ héo ủ xấu xa, khi thân xác của Chơn linh chết nơi cõi trần thì đóa hoa héo tàn.

Bà Nhứt Nương Diêu Trì Cung đã giải thích trong Bài giáng cơ ngày 12-10-1934 như sau: “…mỗi cái hoa là một Chơn hồn của cả kẻ nguyên nhân, thạnh suy, thăng đọa chi cũng do nơi khối sanh hoa khi ấy, định sanh mạng của mỗi người”.

Khối hình hài: Hay hình hài khối 形 骸 塊 là khối thân xác của con người bằng thịt xương.

Rã tan: Tan rã ra từng phần rồi tiêu dứt.

Câu 1: Trong vườn Ngạn Uyển của Đức Phật Mẫu có một bông hoa đã héo (Ở thế gian một mạng người đã chết).

Câu 2: Khi con người đã chết thì khối hình hài thân xác phải rã tan thành đất.

Theo Phật giáo, sự vật ở thế gian, tuy chúng ta trông thấy thật tướng, song nó chẳng thường tồn, mà vốn do nhơn duyên cấu sanh. Hễ nhơn duyên hiệp thì sanh, mà nhơn duyên tan thì mất.

Thân xác con người cũng vậy, do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) duyên hiệp lại mà thành; khi tứ đại tan thì con người chết, hình hài tiêu rã để trở về với đất.

Bảy dây oan nghiệt hết ràng,

Bợn trần rửa sạch muôn ngàn đau thương.

Oan nghiệt 冤 孽: Oan trái và ác nghiệt.

Bảy dây oan nghiệt: Theo Đầu Sư Thượng Sáng Thanh trong quyển Bí Truyền Chơn Pháp, sự sống của con người do nơi khí Sanh quang nuôi nấng, khí sanh quang nơi mình chúng ta tụ tại 7 khiếu làm nên điễn lực, gọi là Thất khiếu sanh quang, phàm gọi là bảy dây oan nghiệt (hay bảy sợi từ khí).

Bảy dây oan nghiệt là 7 dòng điễn lực nối liền giữa Chơn thần và thể xác, hễ điễn lực còn thì thi hài còn vận chuyển, sanh hoạt, điễn lực dứt thì thi hài phải chết. Khi sắp sửa chết thì thi hài phải chịu một phen khổ sở, đau đớn, vì bảy dây oan nghiệt này vẫn còn ràng buộc thể xác và Chơn thần, không bứt rời ra được.

Chính vì lòng Đại từ bi, Chí Tôn mới ân xá, ban cho Đạo Cao Đài bí tích Cắt Dây Oan Nghiệt, tức là dùng diệu pháp cắt bảy cái mối năng lực đặng cho Chơn thần xa lìa xác tục, rồi cũng dùng diệu pháp mà đưa vào cõi Hư linh.

Ấy vậy, làm phép xác cốt yếu là tắm gội xác tục và hồn với giọt nước Cam Lồ, cắt đứt bảy dây oan nghiệt cho Chơn thần lìa khỏi xác rồi đưa Chơn thần vào cõi Hư linh, nghĩa là Thanh Tịnh Đại Hải Chúng, Tứ Đại Bộ Châu và Tam Thập Lục Thiên.

Bợn trần: Những thứ dơ bẩn nơi cõi trần, làm thân tâm con người bị uế trược.

Trần gian tánh vốn không trược (dơ bẩn), vì bị ngũ trược ô nhiễm, trở nên ô uế, không khiết tịnh. Tỉ như nước, tánh vốn sạch, trong trẻo, bị ô nhiễm đất, bùn vào sẽ trở thành đục, bẩn thỉu, nhưng khi lóng, gạn hết bụi đất, tánh trong của nước hiện ra.

Nước ví như chân tánh,đất bụi ví như phiền não. Bản tánh con người luôn trong sạch, do vọng niệm, tham dục, mê mờ che lấp, khiến tánh thuần nhiên thanh tĩnh không hiển hiện được, nên cứ chìm sâu vào luân hồi sanh tử.

Nếu muốn trở lại chân tánh thì phải giống như lóng nước đục: Gạn sạch hết bụi đất đi rồi thì chỉ còn nước trong, sạch. Ở đây, chúng ta gạn hết những phiền não ra khỏi bản tâm thì lúc ấy ta đã đoạn trừ được vô minh, mầm của luân hồi sanh tử.

Rửa sạch muôn ngàn đau thương: Làm sạch hết những nỗi đau thương đã ô nhiễm vào Chơn thần.

Câu 3: Khi thân xác chết, bảy dây oan nghiệt bị cắt đứt đi, không còn buộc ràng Chơn thần nữa.

Câu 4: Và những thứ dơ bẩn nơi cõi trần được phủi sạch, nên cũng dứt được những nỗi đau thương.

Kìa Thiên cảnh con đường vọi vọi,

Ánh Hồng Quân đương chói Ngọc Lầu.

Thiên cảnh 天 境: Cõi Trời, cõi Thiêng Liêng.

Con đường vọi vọi: Con đường cao và xa vô cùng tận.

Hồng Quân 洪 鈞: Cái khuôn lớn dùng để nặn ra các đồ vật. Nghĩa bóng chỉ Đấng Tạo Hóa, hay Đức Chí Tôn Ngọc Hoàng Thượng Đế.

Ngọc Lầu: Tòa lầu bằng ngọc, chỉ Bạch Ngọc Kinh, tòa lầu đài thường ngự của Đức Chí Tôn.

Đương chói: Đang chiếu sáng.

Câu 5: Kìa nơi cõi Thiêng Liêng Hằng Sống con đường đi lên cao và xa không cùng tận.

Câu 6: Ánh sáng hào quang của Đức Chí Tôn chiếu sáng lòa rực rỡ tòa Bạch Ngọc Kinh.

Về Bạch Ngọc Kinh nơi Thiên cảnh, Chơn hồn phải nhẹ nhàng bay vào con đường cao và xa vô tận.

Bạch Ngọc Kinh được Đức Hộ Pháp thuyết Đạo trong Thiêng Liêng Hằng Sống như sau: “Lại gần tới, còn thấy một vật khác thường quái lạ, nhưng nó là một tòa Thiên Các đẹp đẽ lắm, màu sắc thay đổi sáng rỡ, mà cả thoại khí bao quanh, làm như thể vận chuyển hình trạng của nó vậy”.

Cung Thiềm gắng bước cho mau,

Thoát ba Thần phẩm đứng Tam Thiên.

Cung Thiềm: Hay Thiềm cung 蟾 宮: Cung trăng. Thiềm là con thiềm thừ 蟾 蜍 tức con cóc. Tương truyền rằng nơi cung trăng có con thiềm thừ to lớn, sống rất lâu năm.

Thần phẩm 神 品: Phẩm vị Thiêng Liêng.

Ba Thần phẩm: Ba phẩm cấp Thiêng Liêng (còn gọi thừa phẩm), đó là Thần, Thánh, Tiên.

Ba Thần phẩm này mỗi phẩm lại chia làm ba phẩm cấp tạo thành 9 phẩm cấp gọi là Cửu phẩm Thần Thiên gồm: Địa Thần, Nhơn Thần, Thiên Thần, Địa Thánh, Nhơn Thánh, Thiên Thánh, Địa Tiên, Nhơn Tiên, Thiên Tiên (地 神, 人 神, 天 神, 地 聖, 人 聖, 天 聖, 地 仙, 人 仙, 天 仙 ).

Tam Thiên 三 天: Ba ngôi Thiên. Đó là Thiên Thần 天 神, Thiên Thánh 天 聖, Thiên Tiên 天 仙.

Đứng đầu Tam Thiên: Đứng trên ba ngôi Thiên, là Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức vào hàng Phật vị.

Câu 7: Kìa là Cung Thiềm (Cung Trăng), Chơn thần gắng bước cho mau.

Câu 8: Vượt qua ba Thần phẩm thì được đứng đầu Tam Thiên: Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức vào hàng Phật vị.

Bản thân con người là nửa người nửa Phật. Khi thoát xác rồi nếu đầy đủ công đức thì hoàn nguyên Phật vị. Trong bài Kinh Khai Cửu có câu “Đã quá chín tầng Trời đến vị”, tức là Chơn linh đi qua được Cửu Trùng Thiên thì đến ngôi vị Phật. Ở đây, lời Kinh nhắc nhở Chơn linh hãy mau cố gắng bước vào Cung Thiềm, phải vượt qua ba Thần phẩm là Thiên Thần, Thiên Thánh, Thiên Tiên, tức nhiên sẽ đắc hàng Phật vị.

Khá tỉnh thức tiền duyên nhớ lại,

Đoạn cho rồi oan trái buổi sanh.

Khá: Nên.

Tỉnh thức: Hay thức tỉnh là tỉnh và biết rõ, không còn mê lầm nữa.

Tiền duyên 前 緣: Duyên trước, tức là những mối duyên đã được định trước.

Đoạn 斷: Cắt đứt.

Oan trái 冤 債: Mối nợ oan khiên.

Buổi sanh: Hay sinh tiền, tức là lúc còn sống nơi cõi Trần

Câu 9: Nên thức tỉnh để nhớ lại duyên từ kiếp trước của mình.

Câu 10: Rồi cắt đứt những món nợ oan khiên do mình đã gây ra lúc sinh tiền nơi cõi thế gian.

Khi Chơn thần vừa mới thoát xác, thần thức còn mê man, nay đã được chín ngày, thì khá nên thức tỉnh, để nhớ lại tiền duyên của mình là Phật tánh, đã luân hồi sinh tử biết bao kiếp để Chơn linh mượn nơi ấy mà tiến hóa. Đến nay căn nghiệp vừa mãn thì phải cắt đứt hết những mối nợ oan khiên do mình gây tạo lúc sinh tiền, hầu trở về với ngôi xưa vị cũ.

Đem mình nương bóng Chí Linh,

Định tâm chí Thánh mới gìn ngôi xưa.

Nương: Tựa vào.

Bóng: Ánh sáng.

Chí Linh 至 靈: Chỉ Đức Chí Tôn.

Định tâm 定 心: Tập trung tâm vào một nơi, không để cho tâm bị tán loạn.

Người ta thường ví “Tâm viên ý mã” 心 猿 意 馬, tức là chỉ tâm ý cũng như con vượn và ngựa, lúc nào cũng chạy nhảy lăng xăng, không an định.

Lại nữa, con người thường bị hoàn cảnh và vọng niệm sai sử, tâm ý không yên ổn, lúc nào cũng bị phân tán, cho nên thường sống trong lãng quên, thất niệm. Định tâm là thu nhiếp tâm ý vào một chỗ, chuyên chú vào một đối tượng, một cảnh, không để tâm bị tán loạn, hay chạy theo duyên ở quá khứ, hiện tại, tương lai. Tâm có định thì mới giúp cho con người sáng suốt, sống tỉnh thức, không còn đeo đuổi vọng niệm.

Chí Thánh 至 聖: Rất Thánh thiện.

Mới gìn ngôi xưa: Mới có thể giữ gìn ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng được.

Câu 11: Đem mình nương theo ánh sáng Thiêng Liêng của Đức Chí Tôn dìu dắt.

Câu 12: An định tâm ý cho Thánh thiện thì mới có thể gìn giữ ngôi vị nơi Thiêng Liêng được.

Người có duyên phần mới được gặp gỡ Đức Chí Tôn giáng cơ mở một mối Đạo, như lời Thánh giáo dạy: “Đạo Trời dìu bước nhơn sanh, đường Thánh dẫn người phàm tục. Sanh nhằm lối may mắn đặng gặp một Đạo Chánh, nếu chẳng lo dưỡng tánh trau mình, để bước vào đường Cực Lạc, thoát đọa Tam Đồ, một mai cảnh ủ bông tàn, rốt lại ăn năn vô ích”.

Gặp đặng thời Đức Thượng Đế vì thương xót sanh linh, Đại khai ân xá kỳ ba để mở cơ tận độ, chúng sanh cần phải biết nhận thức điều đó mà nên đem mình nương theo ánh sáng của Đức Chí Tôn đã soi rọi, hầu thoát khỏi khổ luân hồi mà trở về quê xưa cảnh cũ. Thực vậy, bài Khai Kinh Kệ trong Di Lặc Chơn Kinh có câu: Bá thiên vạn kiếp nan tao ngộ, tức là trăm ngàn muôn kiếp mà không duyên cũng khó mong gặp đặng Phật.

Trong đàn cơ lúc 21 giờ đêm 12-1-Quí Dậu, một Chơn linh xưng là Thanh Tâm Tài Nữ cho Đức Hộ Pháp biết là Bà đi tái kiếp ở Hồng mao (nước Anh). Bà than rằng không duyên may mắn để gặp được Đức Chí Tôn. Bà nói rằng: “Em nghe Chí Tôn nơi này, chạy theo nơi nầy không gặp. Em nghe nói nơi khác, chạy nơi khác, cũng không gặp.

Hỏi ra thì em khiếm khổ hạnh nên khó phép thấy Người, nên quyết luân hồi chịu khổ hạnh hầu gặp cho đặng, kẻo ức. Thương quá đỗi thương mà chưa từng thấy mặt.

Thưa mấy chị,

Đã may duyên gần gũi hình bóng của Người, ráng đặng gặp Người, kẻo sau ăn năn uổng lắm!

Cái oan nghiệt kiếp sanh đáng ghê sợ chưa bằng không gặp mặt Chí Tôn, vì lẽ ấy mà biết bao nhiêu Tiên, Phật hạ trần chịu khổ. Xin mấy chị nghe:

THI

Phải đủ căn sanh mới thấy Trời,

Ai ai đừng tưởng dễ như chơi.

Nghe danh như chất chồng bên gối,

Cổ Phật không duyên khó gặp Người.

Xin kiếu” (Thánh Ngôn Hiệp Tuyển).

Hồn định tỉnh đã vừa định tỉnh.

Phách anh linh ắt phải anh linh.

Định tỉnh 定 醒: Tập trung tinh thần để nhận biết mọi sự việc.

Phách 魄: Chơn thần, là một khí thể, bao bọc chung quanh xác thân con người. Nhờ Chơn thần mà xác thân con người được sống, và không bị tan rã.

Anh linh 英 靈: Thiêng liêng sáng suốt.

Câu 13: Chơn hồn đã thoát xác, sau thời gian mê loạn, giờ được an trụ, tỉnh giác trở lại.

Câu 14: Chơn thần là thể Thiêng Liêng sáng suốt, bởi nhục thân sai sử, nay được thoát xác, thì phải trở lại anh linh sáng suốt.

Quản bao thập ác lục hình,

Giải thi thoát khổ diệt hình đoạt căn.

Quản bao: Hay bao quản là sá chi, chẳng ngại.

Thập ác 十 惡: Mười điều ác, tức mười ác nghiệp do bởi thân, khẩu, ý tạo ra. Thân nghiệp thì có ba điều ác: Giết hại, trộm cắp, tà dâm; ngữ nghiệp có bốn điều: Nói dối, nói thêu dệt, nói chia rẽ, lời mắng chửi độc ác; ý nghiệp có ba: Tham lam, giận dữ, si mê.

Lục hình 六 形:Sáu hình tượng hay sáu ngoại cảnh chung quanh con người làm đối tượng tiếp xúc cho lục căn. Sáu hình tượng đó là: Sắc (hình sắc), thinh (âm thinh), hương (mùi thơm), vị (vị nếm), xúc (đụng chạm), pháp (mọi sự vật). Sáu hình tuợng này còn gọi là lục trần.

Lục căn là sáu giác quan của con người: Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý (Nhãn 眼, nhĩ 耳, tỵ 鼻, thiệt 舌, thân 身, ý 意).

Khi lục căn (hiện tượng sinh lý) tiếp xúc với lục trần (hiện tượng vật lý) thì phát sinh ra lục thức (hiện tượng tâm lý). Do có lục thức, tức là sáu cái biết phân biệt này mà con người khởi tâm mê đắm cái đẹp, mùi thơm, ngon ngọt, êm ái…

Giải thi 解 尸: Cởi bỏ hình hài thi thể.

Thoát khổ 脫 苦: Thoát khỏi cảnh khổ.

Diệt hình 滅 形: Tiêu diệt hình thể sắc tướng.

Sắc tướng là cái hữu hình, mà hữu hình là hữu hoại. Như vậy sắc tướng, hình thể thì bị hư hoại, có thể diệt được. Trái lại với sắc tướng là vô tướng, vô sắc hay vô hình là thể thường tồn, bất diệt. Thân xác là sắc tướng nên dễ bị diệt, linh hồn là thể vô tướng nên thường còn, sống mãi.

Đoạt căn 奪 根: Tìm cách chiếm lại căn gốc khi xưa. Đó là ngôi vị cũ nơi Thiêng Liêng.

Câu 15: Chẳng ngại gì mười ác nghiệp và sáu hình thức (lục trần) làm mê đắm ở cõi trần tục.

Câu 16: Vì giờ đây đã cởi bỏ hình hài thân xác rồi, tất nhiên cũng thoát khỏi cảnh khổ não nơi trần gian và hình thể bị diệt do đó Chơn linh đoạt lại ngôi xưa vị cũ nơi cõi Thiêng Liêng.

Mang lấy thi hài hình thể, con người gây ra nhiều oan khiên nghiệt chướng. Nếu biết chọn đường tu thì chẳng e ngại gì về mười điều ác nghiệp hay sáu trần cảnh làm mê đắm Chơn thần, bởi vì lúc sinh tiền đã biết sợ, xa lánh nó rồi, khi chết đã cởi bỏ được thi hài, tức nhiên là thoát khỏi cảnh khổ bị đọa trần. Đến khi hình hài bị diệt, thì Chơn linh là thể vô vi lại nhẹ nhàng, nên có thể tìm trở lại nguyên căn của mình.