Nghi thức cúng tiểu tường, đại tường

KINH CÚNG TUẦN CỬU & TIỂU – ĐẠI TƯỜNG

Triết lý của đạo Cao Đài cho rằng con người sống ở thế gian có thân xác và linh hồn, nên khi chết, không phải là hết, mà chỉ là cái thể xác hoại diệt, nhưng linh hồn thì vẫn tồn tại mãi mãi. Hay nói cách khác, chết chỉ là thay đổi trạng thái sống: Sống bằng thân xác hữu hình ở thế gian và sống bằng linh hồn, không hình thể ở cõi giới vô vi.

Sự sống của thể xác thì hữu hạn, nhưng sự sống của linh hồn mới thực sống vĩnh viễn, bất diệt. Vì thế, tôn chỉ của đạo Cao Đài là khi con người sống nơi thế gian, phải mượn thân xác hữu hình lo tu hành: Làm phải làm lành, lập công bồi đức để chuẩn bị một con đường trong cõi giới vô vi, cho linh hồn có một cuộc sống an nhàn, cực lạc.

Ngoài ra, để thực hiện đại ân xá kỳ ba, đạo Cao Đài còn có ban cho bí pháp Độ thăng và cầu rỗi cho linh hồn được nhẹ nhàng thanh cao mà vào từng cõi giới mới. Muốn vậy, người tín đồ khi sống ở thế gian phải giữ giới luật Đạo, lập công bồi đức, và phải được vị chức sắc thọ truyền bửu pháp làm phép độ thăng cho và những người thân phải thành tâm cầu siêu cho linh hồn người chết.

Phương thức độ hồn cho vong linh sau khi chết được tiếp tục diễn ra trong vòng 581 ngày. Đó là các tuần cửu và tiểu, đại tường.

Những người đã quá vãng, sau khi an táng xong, kể từ ngày chết, đếm tới 9 ngày thì tang gia hiếu quyến đem linh vị đến Thánh Thất sở tại làm tuần Nhứt Cửu, đếm tới 18 ngày (tức 9 ngày sau) thì làm tuần Nhị Cửu…cho đến 81 ngày thì làm tuần Cửu Cửu.

Kể từ sau một ngày chung cửu (hay Cửu Cửu), đếm tới 200 ngày thì làm tuần Tiểu Tường. Rồi kể từ sau một ngày làm tuần Tiểu Tường đếm tới 300 ngày thì làm tuần Đại Tường, hay là tuần mãn tang.

Như vậy, theo nghi lễ của đạo Cao Đài, một tín đồ giữ thập trai, kể từ ngày chết cho đến ngày làm tuần Đại Tường tất cả là 581 ngày, phải dâng 9 lá sớ khi cúng chín tuần cửu, một lá sớ cúng tuần Tiểu Tường và một lá sớ cúng tuần Đại Tường. Tổng cộng là mười một lá sớ cùng với lá sớ Tân Cố thượng khi vừa mới chết nữa là mười hai lá sớ.

Những bài Kinh tụng Cửu, Tiểu và Đại tường trong quyển Kinh Thiên Thế Đạo do Đức Quan Âm Bồ Tát, Thích Ca Mâu Ni Văn Phật, Diêu Trì Kim Mẫu và Cửu Vị Tiên Nương giáng cơ ban cho chúng sanh trong thời Tam Kỳ Phổ Độ. Nội dung các bài Kinh nhắc nhở vong linh xa lánh tục trần, lìa khỏi Phong đô, hướng về nguồn cội của Chơn linh là Thượng Đế, để được đi qua từng cõi giới càng ngày càng nhẹ nhàng và thanh cao hơn.

Khi chú giải những bài Kinh Cửu, Tiểu, Đại tường, chúng tôi dựa theo Kinh Phật, lời thuyết Đạo của Đức Hộ Pháp và các Đấng Thiêng Liêng để dẫn giải, và nhứt là chú trọng đến những ngôn ngữ thế gian của bài Kinh mà chú giải một cách bì phu, còn những tư tưởng có tính cách huyền linh, hay những cõi giới vô vi mà Chơn linh sống và đi qua, chắc hẳn con người chúng ta còn sống nơi cõi thế gian này không thể nào tưởng tượng và hiểu thấu được.

Những bài Kinh Khai Cửu, Kinh Đệ Nhứt cho đến Đệ Cửu Cửu, Tiểu và Đại Tường chúng tôi cho vào một chương, tức chương thứ mười nhằm thể hiện giáo lý đặc trưng của Cao Đài: Một Chơn linh đắc đạo, sau khi đã qui liễu được Cửu Vị Tiên Nương, Phật Mẫu và chư Phật dẫn dắt đi qua chín cõi Trời, tức Cửu Trùng Thiên. Và muốn về với Đức Chí Tôn, còn phải qua ba cõi Trời nữa, đó là Hư Vô Thiên, Hội Nguơn Thiên và Hỗn Nguơn Thiên, cộng lại 12 cõi Trời, tức Thập Nhị Khai Thiên. Đây là hàng Phật vị.

THIÊN VÂN Hiền Tài QUÁCH VĂN HÒA

Liên Thanh Sưu Tập