Kinh khai cửu

Đã quá chín từng Trời đến vị,

Thần đặng an, Tinh, Khí cũng an.

Tầng Trời gắng bước lên thang,

Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa.

Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi,

Quên trần ai mong mỏi Động Đào.

Ngó chi khổ hải sóng xao,

Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.

Giọt lụy của Cửu huyền dầu đổ,

Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân.

Nắm cây huệ kiếm gươm thần,

Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.

THƯỜNG CƯ NAM HẢI QUAN ÂM NHƯ LAI

NGUỒN GỐC VÀ Ý NGHĨA:

Bài Khai Cửu, Đại Tường và Tiểu Tường là một bài Kinh do Đức Quan Thế Âm Bồ Tát giáng cơ ban cho.

Bài Kinh Khai Cửu được đồng nhi tụng trong những đàn cúng tuần cửu tại Thánh Thất hay tư gia để mở đầu cho các bài kinh Cửu, Tiểu Tường, hay Đại Tường. Bài Kinh này được coi như một bài Kinh dẫn cửu, Tiểu Tường hay Đại Tường.

CHÚ GIẢI:

Đã quá chín từng Trời đến vị,

Thần đặng an, Tinh, Khí cũng an.

Đã quá: Đã qua.

Chín tầng Trời: Chín cõi Trời, tức là Cửu Trùng Thiên.

Đến vị: Đến được ngôi vị.

Tinh Khí Thần 精 氣 神: Là Tam bửu, tức là ba món báu tạo nên tinh thần, thể xác con người.

Tinh là xác thân phàm, khí là Chơn thần hay đệ nhị xác thân, thần là Chơn linh. Trong ba thể đó chỉ có xác thân phàm là trọng trược, vì vậy người tu hành phải có một thân phàm tinh khiết mới có thể xuất một Chơn thần tinh khiết được.

Tam bửu của người tu đắc Đạo hiệp một được tinh khí thần và tinh tấn nhẹ nhàng hơn không khí đặng ra ngoài Càn khôn mà về với Đức Chí Tôn thì lúc ấy Tinh Khí trong sạch được an, thì Thần cũng được an ngôi vị.

Câu 1: Chơn linh đã qua khỏi chín tầng Trời (Cửu Trùng Thiên).

Câu 2: Chơn linh có tam bửu tinh tấn nhẹ nhàng thì tinh khí được yên ổn, và Thần thì được về với Chí Tôn mà an ngôi vị.

Tầng Trời gắng bước lên thang,

Trông mây nhìn lại cảnh nhàn buổi xưa

Tầng Trời: Khoảng từ hạ giới, tức cõi phàm của con người đang sinh sống lên đến Bạch Ngọc Kinh chia ra nhiều cảnh giới hay tầng Trời khác nhau, từ thấp lên cao: Hạ giới, Trung giới và Thượng giới.

Con người khi giải thể thì Chơn linh đi lên theo từng cõi, mỗi cõi từ thấp dần dần lên cao tựa như từng nấc thang vậy. Các Chơn thần phải vượt qua từng cõi một cách cố gắng, bởi vì nó phát xuất từ quả nghiệp mà chúng ta tạo ra nơi cõi phàm. Hay nói cách khác, ngôi vị thiêng liêng của chúng ta là do quyền định đoạt của mình, đó là cái kết quả của những hành vi thiện lương hay hung ác khi còn tại thế.

Trông mây: Nhìn theo những vầng mây.

Câu 3: Chơn linh phải cố gắng đi lên các tầng Trời từ thấp lên cao như theo từng nấc thang.

Câu 4: Trông theo những vầng mây nhìn lại cảnh nhàn nhã của quê xưa cảnh cũ nơi cõi Thiêng Liêng .

Quê hương của chơn hồn vốn dĩ là cõi Thiêng Liêng, là nơi mà Thượng Đế ban cho Điểm Linh Quang để thác sinh xuống cõi phàm với mục đích học hỏi kinh nghiệm và tấn hóa. Khi đến cõi phàm, Chơn hồn tạo nghiệp quả nên phải chịu sự luân hồi chuyển kiếp mãi. Đến chừng Chơn hồn ở thế biết giác ngộ mà tu hành chơn chánh, khi qui liễu thì sẽ được trở lại ngôi xưa vị cũ, tức là quê hương mà trước đây Chơn hồn đã từng sống an nhàn thanh tịnh.

Chính vì thế khi thoát xác, Chơn linh thấy nhẹ nhàng, bay bổng, nhìn theo những vầng mây nơi quê xưa cảnh cũ một cách thung dung, nhàn hạ.

Cõi thảm khổ đã vừa qua khỏi,

Quên trần ai mong mỏi Động Đào.

Cõi thảm khổ: Chỉ cõi trần gian.

Sở dĩ trần gian là cõi thảm khổ bởi vì nơi đây là cõi tạm bợ, uế trược và nhiều phiền não…

Sống ở cõi trần, con người có nhiều loại khổ đau như:

Khổ về thân tâm: Con người sống cõi trần thường bị khổ về hoàn cảnh ngang trái, cảm thọ bất an hay khổ về bệnh, chết.

Khổ về hoại diệt: Những thứ sắc đẹp, của cải vật chất mà mình ưa thích không bền lâu, thường bị mất nên sinh khổ.

Khổ do tâm bị dục vọng sai khiến, thúc đẩy từng giây từng phút làm cho tâm không yên ổn, tự do.

Khổ gây ra bởi sự mâu thuẩn giữa con người và thiên nhiên, cuộc sống.

Đã vừa qua khỏi: Đã được thoát khỏi.

Trần ai 塵 埃: Bụi bặm, chỉ cõi trần là cõi nhơn loại đang sinh sống.

Động đào: Chỉ Động Tiên ở. Do từ Đào nguyên 桃 源, hay Đào hoa nguyên 桃 花 源: Suối hoa đào.

Ông Đào Tiềm có viết bài “Đào Hoa Nguyên Ký 桃 花 源 記”kể lại một người đánh cá ở Võ Lăng đi thuyền lạc vào Động Đào nguyên. Trong đó, có một nhóm người mà tổ tiên của họ trốn loạn đời nhà Tần, sống nơi suối hoa Đào cách biệt hẳn với người đời đã từ lâu.

Sau khi ra khỏi Động Đào, người đánh cá có tìm cách chèo thuyền trở lại, nhưng không tìm được lối vào nữa

Do vậy, Đào nguyên hay Động đào thường được dùng để chỉ nơi Tiên ở, hay động Tiên.

Câu 5: Chơn linh đã vừa thoát khỏi cõi thảm khổ nơi trần gian.

Câu 6:Và mong mỏi được vào chốn Đào nguyên là nơi cõi Thiêng Liêng để quên đi cõi trần tục đầy uế trược này.

Khi giải thể rồi, Chơn hồn cởi bỏ được thân tứ đại, cái thân vật chất, tạm bợ và đầy phiền não, tức là thoát ra khỏi được những thảm khổ nơi cõi trần để trở về cõi Thiêng Liêng Hằng Sống là cõi an vui và hạnh phúc. Đức Hộ Pháp thuyết về chữ khổ như sau: “Khổ thì nhiều, vui vốn ít, sống càng lâu khổ chất càng dày, khổ nội thân tứ khổ quả không sai, cầu bất tử là cầu đày thân cõi tội. Ta nghĩ đến đó mới hiểu rằng kiếp chết là kiếp giải khổ thì mới biết mặt cân công bình thiêng liêng nhắc không sai chạy”.

Ngó chi khổ hải sóng xao,

Đoạn tình yểm dục đặng vào cõi Thiên.

Ngó chi: Nhìn làm chi.

Khổ hải 苦 海: Biển khổ.

Đạo Phật cho cõi trần gian này là một biển khổ mênh mông, bát ngát, con người bị những cơn sóng khổ đau ấy nhồi dập, đang lặn hụp, chìm đắm hằng muôn ngàn kiếp luân hồi sinh tử. Đạo tựa như con thuyền chèo khắp mọi nơi trong biển khổ ấy mà cứu vớt chúng sanh để đưa qua bên kia bờ giác ngộ.

Sóng xao: Lượn sóng xao động.

Đoạn tình 斷 情: Cắt đứt các thứ tình cảm.

Tình cảm của con người từ nơi tâm mà phát khởi. khi tâm tiếp xúc với ngoại vật mà dao động gây cảm giác sinh ra thất tình.

Thất tình là bảy thứ tình cảm: Mừng, giận, buồn, sợ, thương, ghét, muốn, cũng là bảy thứ cảm giác từ trong tâm con người phát ra. Những thứ cảm giác này nếu vì thỏa mãn theo xác thịt đê hèn thì sẽ xa đường đạo đức mà gây nhiều phiền não, tội lỗi. Chúng ta phải cắt đứt những thứ dục tình thấp hèn này để chuyển hóa theo tinh thần cao thượng. Có như thế chúng ta mới thoát khỏi oan khiên, nghiệt chướng.

Yểm dục 掩 欲: Đè nén lòng ham muốn.

Lòng dục hay lòng ham muốn của con người có sáu thứ gọi là lục dục: Sắc dục, thinh dục, hương dục, vị dục, xúc dục và ý dục.

Mắt ưa sắc đẹp, tai thích âm thanh, mũi ham ngửi mùi thơm tho, lưỡi thèm vị ngon ngọt, thân ưa cảm xúc êm ái, ý thích lòng thỏa mãn. Tất cả đều gây nên nghiệp thức rồi lôi kéo con người đắm chìm vào luân hồi sinh tử mà thọ khổ nghiệp triền miên.

Đặng vào cõi Thiên: Để được vào cõi Thiêng Liêng.

Câu 7: Nhìn làm gì những lượn sóng xao động nơi biển khổ.

Câu 8: Mà nên cắt đứt những tình cảm và đè nén lòng dục thì mới vào cõi Thiên được.

Khi thoát xác Chơn hồn đừng nên luyến tiếc mà nhìn lại làm gì cái cõi thế gian này đầy những cơn sóng đau thương dồi dập kiếp con người đắm chìm trong biển khổ.

Khổ đau do thất tình và lục dục là động cơ gây cho con người nhiều phiền não, chính nó sai khiến con người vào đường mê luyến tiền tài danh vọng, say đắm vợ đẹp con xinh, ham muốn nhà cao cửa rộng mà làm cho tinh thần hao tổn, khí phách tiêu mòn. Như vậy, để giải thoát con người ra khỏi tình cảm và dục vọng, trước hết ta phải đoạn lìa những tình cảm xấu xa đê tiện và đè nén lòng ham muốn thấp hèn để chuyển hóa theo đường cao thượng, đạo đức. Có như thế thì mới mong Chơn linh khi thoát xác bước vào đường Thiên cảnh được.

Giọt lụy của Cửu huyền dầu đổ,

Chớ đau lòng thuận nợ trầm luân.

Giọt lụy: Giọt nước mắt.

Cửu huyền 九 玄: Tổ tiên ông bà chín đời.

Thuận nợ: Bằng lòng theo nợ.

Trầm luân 沉 淪: Chìm đắm vào biển khổ.

Thuận nợ trầm luân: Thuận theo nợ oan khiên mà phải chìm đắm vào biển khổ luân hồi.

Muốn thoát khỏi luân hồi trong biển khổ thì phải làm sao?

Trong bài Thuyết Đạo ngày 14/2/ Mậu Thìn của Đức Hộ Pháp có giải thích như sau: “Phải đoạt cho đặng cơ bí mật siêu phàm nhập Thánh. Cơ bí mật ấy, nếu không phải Thầy cho thì chưa ắt xin ai mà đặng.

Ấy vậy, Đạo là cơ bí mật làm cho kể phàm có thể đoạt đặng phẩm vị Thần, Thánh, Tiên, Phật.

Thầy đến qui Tam Giáo, hiệp Ngũ Chi để cho chúng sanh hiểu cơ mầu nhiệm mà luyện Tinh, Khí, Thần”.

Câu 9: Giọt nước mắt của Cửu Huyền dầu có đổ, ý nói dầu Cửu Huyền đau buồn thương tiếc.

Câu 10: Thì cũng đừng đau xót mà phải chịu trầm luân vào biển khổ muôn đời ngàn kiếp.

Nắm cây huệ kiếm gươm thần,

Dứt tan sự thế nợ trần từ đây.

Huệ 慧: Hay tuệ là trí sáng suốt nhận biết được chân tướng của mọi sự vật, sự hiểu biết rốt ráo đúng sự vật.

Trí huệ là sự chứng ngộ chân lý của vạn hữu, là sự nhận thức sáng tỏ về thực tại sau khi mọi vô minh, phiền não đã được diệt trừ.

Huệ kiếm 慧 劍: Cây kiếm trí huệ.

Trí huệ được so sánh như một lưỡi kiếm (gươm) sắc bén có thể chiến thắng được thất tình lục dục, và có thể cắt đứt mọi phiền não trói buộc vào con người.

Gươm thần: Gươm Thiêng liêng huyền diệu, chỉ cây huệ kiếm.

Dứt tan: Dứt hẳn.

Sự thế 事 世: Việc ở trên cõi đời.

Nợ trần: Những món nợ ở nơi cõi trần.

Câu 11: Nắm chặt cây kiếm trí huệ Thiêng liêng huyền diệu.

Câu 12: Dẹp hẳn việc đời và dứt những mối nợ oan khiên ràng buộc con người vào cõi trần gian kể từ đây.

Thật vậy, chúng sanh vì vô minh che lấp mất chân tánh, bị dục vọng, phiền não sai khiến, tạo ra muôn ngàn nghiệp ác, vì đó mà phải chơi vơi trong biển khổ luân hồi.

Để thoát khỏi vòng luân hồi sinh tử, con người phải có một hùng lực để tự chiến thắng tâm mình và dùng cây huệ kiếm, cây gươm thần diệu dẹp tan giặc thất tình, lục dục, chặt đứt mọi thứ dây trói buộc con người, dứt trừ oan khiên phiền não. Nếu đạt được như thế, thì con người mới mong thoát khỏi mọi điều khổ não, mọi oan khiên nghiệt chướng, hầu có thể trở lại cõi Thiêng Liêng Hằng Sống.